Theo Washington Post, ngày 18/11/1952, trong những tháng cuối của cuộc chiến tranh Triều Tiên, 4 tàu sân bay Mỹ băng qua vùng biển Nhật Bản với lệnh tấn công đường tiếp tế của Triều Tiên ở thành phố Hoeryong. Thành phố này nằm gần cửa sông Yalu, giáp ranh với Trung Quốc và Nga.
Khi đến gần mục tiêu, tàu USS Helena chở một nhóm nhân viên Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ trên boong, dò thấy tín hiệu sóng vô tuyến từ Liên Xô phát ra, theo một bài báo trên tạp chí hàng không Flight Journal. Giải mã tín hiệu cho thấy, các tàu sân bay đã bị phát hiện và 7 máy bay Nga đang chuẩn bị đánh chặn.
Tàu USS Oriskany lập tức tung ra 4 tiêm kích F9F-5 Panther. F9F là máy bay chiến đấu phản lực thế hệ đầu được sử dụng rộng rãi trong chiến tranh Triều Tiên, có một chỗ ngồi, thân ngắn và mập, được đánh giá thấp hơn so với MiG của Nga vì tốc độ bay chậm hơn với thiết kế cánh thẳng.
4 tiêm kích xuyên qua trời mây, theo sóng vô tuyến chỉ ra máy bay Nga đang cách 128 km về phía bắc. Tuy nhiên, hai chiếc Panther buộc phải quay đầu vì một chiếc bị trục trặc đã yêu cầu đồng đội hộ tống về tàu sân bay.
Royce Williams, mang lon trung úy, và đồng đội David Rowlands điều khiển hai chiếc Panther còn lại giao chiến với 7 chiếc MiG 15 trên bầu trời vùng biển Nhật Bản. Panther được trang bị súng máy cỡ nòng 20 mm, còn máy bay Nga là 37 mm.
Trong trận không chiến dữ dội đó, Williams bắn rơi 4 chiếc MiG, điều chưa từng có cho đến thời điểm chiến tranh lúc đó. Tuy nhiên, MiG cũng gây thiệt hại nặng cho máy bay của Williams, với 260 lỗ thủng, buộc viên trung úy này phải bay thấp để trở về tàu sân bay Oriskany.
Bởi tính chất nhạy cảm của vụ việc, hoạt động của Williams hôm đó bị hạ thấp. Theo biên bản chính thức lúc đó, Williams được ghi công bắn hạ một máy bay, và trung úy John Middleton - người sau khi hộ tống máy bay bị hỏng động cơ về căn cứ đã quay lại tham chiến, bắn hạ một chiếc khác.
Phải đến 50 năm sau, khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, cuối năm 1992 phía Nga mới công bố Williams đã bắn hạ 4 máy bay MiG trong trận không chiến này. 3 người lái máy bay Nga hy sinh ngay tại trận, một người bị tử nạn khi máy bay rơi.
Trận chiến năm 1952 đó là lần cuối cùng Mỹ - một nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) gồm 28 quốc gia, bắn rơi máy bay Nga, trước khi một nước thành viên khác là Thổ Nhĩ Kỳ, lặp lại lịch sử sau 63 năm vào ngày 24/11.
F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ đã bắn hạ một máy Su-24 của Nga, tuyên bố máy bay Nga xâm phạm không phận nước Thổ. Moscow phủ nhận cáo buộc này, nói rằng Su-24 đang hoạt động trong không phận Syria.
Căng thẳng gia tăng giữa hai nước, khi Tổng thống Nga gọi đây là hành động "đâm sau lưng do những kẻ đồng lõa với khủng bố thực hiện", còn Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố "bảo vệ không phận là điều đương nhiên".
Hồng Hạnh