Theo NYTimes, quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ - Syria đã căng thẳng kể từ sau Thế chiến I. Thổ Nhĩ Kỳ và Syria có tranh chấp biên giới lâu dài ngay tại gần khu vực Su-24 rơi. Đó là tỉnh Hatay, hiện thuộc Thổ Nhĩ Kỳ, chạy về phía nam dọc theo Địa Trung Hải, sâu vào Syria. Tỉnh này là nơi hội tụ của các nhóm dân tộc Thổ Nhĩ Kỳ và Arab, và là nơi sinh sống của cả nhiều người Hồi giáo lẫn Kito giáo.
Hội Quốc Liên (tiền thân của Liên Hợp Quốc) trao tỉnh Hatay cho Pháp sau Thế chiến I khi Syria đang nằm dưới quyền ủy trị của Pháp. Các nhóm dân tộc Thổ đã khởi xướng việc ly khai tỉnh này ra khỏi Syria và tuyên bố trở thành cộng hòa độc lập năm 1938. Một năm sau, cộng hòa này sáp nhập vào Thổ Nhĩ Kỳ.
Syria không công nhận việc sáp nhập này. Nga trong nhiều năm qua đã bày tỏ sự thông cảm với tuyên bố chủ quyền của Syria với Hatay, và điều đó khiến tỉnh này càng nhạy cảm hơn đối với Thổ Nhĩ Kỳ. Vụ bắn hạ máy bay Nga hôm 24/11 càng làm nó thêm quan trọng, theo James F. Jeffrey, cựu đại sứ Mỹ tại Thổ Nhĩ Kỳ, hiện là chuyên gia tại Viện Washington về Chính sách Cận Đông.
Việc có chung nguồn nước cũng gây ra vấn đề kéo dài giữa hai bên. Thổ Nhĩ Kỳ xây đập trên sông Euphrates và Asi, hạn chế dòng chảy qua biên giới Syria, đã gây ra sự oán giận. Nhưng có lẽ quyết định gây ảnh hưởng nhất đến quan hệ hai bên là khi cha của ông Bashar Assad, cựu tổng thống Syria Hafez, cung cấp các căn cứ và hỗ trợ cho đảng Lao động Người Kurd (PKK) vào những năm 1980 và 1990, trong cuộc xung đột của nhóm này với Thổ Nhĩ Kỳ.
Từ bờ vực chiến tranh thành bạn
Theo Euro News, dưới mối đe dọa tấn công từ Thổ Nhĩ Kỳ, Damascus năm 1998 ngừng hỗ trợ cho PKK. Hai nước ký kết nghị định thư Adana để chấm dứt tình trạng thù địch.
Như một cử chỉ để làm dịu quan hệ, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Necdet Sezer năm 2000 còn đến dự đám tang của ông Hafez Assad. Trong khoảng 10 năm sau đó, hai nước trở thành đồng minh vững chắc và Ankara thậm chí đã giúp chính quyền Assad thoát khỏi thế bị cô lập quốc tế sau khi vụ ám sát Thủ tướng Lebanon Rafik Hariri xảy ra. Syria trở thành trọng tâm trong chiến lược "không gây vấn đề với láng giềng" của Thổ Nhĩ Kỳ.
Năm 2004, ông Tayyip Erdogan, khi đó giữ chức thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ, công khai gọi Syria là "người anh em", theo Turkish Weekly. Còn Imad Mustapha, đại sứ Syria tại Washington năm 2009 phát biểu rằng: "Thổ Nhĩ Kỳ là người bạn thân nhất của Syria".
Nội chiến Syria
Tuy nhiên, cuộc nội chiến ở Syria nổ ra năm 2011, đánh dấu sự xấu đi nghiêm trọng trong quan hệ giữa hai chính phủ. Sau khi kiềm chế trong vài tháng để mong chờ có hành động thỏa hiệp, Thổ Nhĩ Kỳ đã quyết định đứng về phía phe đối lập Syria và công khai thúc đẩy lập trường ông Assad phải rời ghế. Phe đối lập, mang tên Hội đồng Quốc gia Syria, được phép gặp giới chức Thổ Nhĩ Kỳ tại biên giới, trong khi các nhóm nổi dậy được phép vào biên giới và căn cứ của Thổ. Hệ quả của việc này là hai triệu người tị nạn ồ ạt sang Thổ Nhĩ Kỳ và nhiều vấn đề an ninh phát sinh từ việc chiến binh và vũ khí của phiến quân Syria tụ tập ở vùng biên giới.
Kế hoạch mới cho Syria
Khi Nhà nước Hồi giáo (IS) mở rộng về mặt địa lý và quân sự, và tấn công vào thị trấn Kobani, ngay ngưỡng cửa Thổ Nhĩ Kỳ, chính phủ ông Erdogan, người giữ chức tổng thống từ tháng 8/2014, đã phải xem xét lại chính sách.
Sau vụ đánh bom ở Suruç, gần Kobani, khiến 32 người chết mà IS nhận trách nhiệm, Thổ Nhĩ Kỳ đã chính thức thay đổi ưu tiên, xếp IS ngang hàng với PKK trong các mối đe dọa hàng đầu đối với an ninh quốc gia. Do đó, mục tiêu gây sức ép để Assad phải rời ghế, với hy vọng chấm dứt cuộc nội chiến Syria, phần nào đã bị hạ cấp.
Trong một thời gian dài, Thổ Nhĩ Kỳ đã muốn thiết lập vùng cấm bay ở Syria và một vùng đệm được giám sát bởi quốc tế. Tuy nhiên, nỗ lực này chưa thành công do các đồng minh không nhiệt tình hỗ trợ tài chính hay mạo hiểm mạng sống lính tráng của họ.
Can thiệp quân sự của Nga
Quân đội Nga bắt đầu can thiệp quân sự vào Syria kể từ cuối tháng 9, sử dụng không lực để hỗ trợ quân chính phủ Syria giành lại đất từ tay quân nổi dậy. Ankara nhiều lần phàn nàn với đại sứ quán Nga rằng chiến đấu cơ Nga đã oanh tạc ở gần biên giới Syria - Thổ, nơi người Turk, nhóm người có quan hệ mật thiết với Thổ đang sinh sống.
Nhiều người Thổ Nhĩ Kỳ coi người Turk như "bà con", và chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ đã bày tỏ mong muốn bảo vệ những người họ gọi là "người Thổ Nhĩ Kỳ ở nước ngoài" tại biên giới Syria.
Cuối tuần trước, Thổ Nhĩ Kỳ triệu đại sứ Nga tại Ankara để phản đối, nói rằng Nga "ném bom làng dân thường người Turk và điều này có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng". Cuộc đụng độ dẫn đến vụ bắn hạ máy bay Nga có thể có liên quan đến vấn đề người Turk tại Syria này, Telegraph bình luận.
Phương Vũ