Người thọ nhất thế giới được ghi nhận là bà Jeanne Calment, sống đến 122 tuổi, qua đời năm 1997. Có nhiều cuộc tranh luận về việc nhân loại có thể vượt qua ngưỡng tuổi này hay không. Nhiều người kỳ vọng các tiến bộ khoa học có thể hiện thực hóa ước mơ tưởng chừng viển vông đó.
Các chuyên gia đã sử dụng nhiều phương pháp, từ công nghệ tế bào đến nghiên cứu trên động vật nhằm tìm cách nâng cao tuổi thọ.
Tiến sĩ Andrew Steele, chuyên gia sinh học người Anh, tin rằng với phương pháp loại bỏ nhân tố chính gây ra sự phân hủy mô cơ là tế bào hình liềm, con người có thể sống tới 200 tuổi.
Tế bào hình liềm có hại cho cơ thể bởi chúng giải phóng nhiều protein ảnh hưởng đến các mô xung quanh, gây ra viêm mạn tính. Các chuyên gia tin rằng những người trẻ tuổi, hệ thống miễn dịch khỏe mạnh có cơ chế tự loại bỏ các tế bào hình liềm tốt hơn. Tuy nhiên, khi con người già đi, chúng tích tụ trong cơ thể và gây ra các loại bệnh tiềm ẩn, thúc đẩy tình trạng lão hóa, chẳng hạn loãng xương, bệnh phổi tắc nghẽn và Alzheimer.
Theo tiến sĩ Steele, những loại thuốc giúp đẩy các tế bào này ra khỏi cơ thể đã được thử nghiệm trên người và có thể được bán trên thị trường trong vòng 10 năm tới.
Ông Steele cũng cho biết nếu đặt một tế bào người dưới thấu kính hiển vi, nó sẽ phân chia khoảng 50 lần trước khi dừng lại. Trong khi đó ở rùa Galapagos (tuổi thọ 120), các tế bào phân chia hơn 100 lần. Điều này khiến các nhà khoa học chú ý đến một lĩnh vực khác, đó là nghiên cứu DNA của các loài bò sát và động vật máu lạnh như cá sấu, kỳ nhông và rùa để cải thiện tuổi thọ cho người.
Các chuyên gia tại Đại học Michigan đã có bước đột phá vào năm 2016 khi phát hiện cách loại bỏ tế bào bệnh tật ở chuột. Họ tiêm cho các con chuột thí nghiệm một loại thuốc tổng hợp có tên AP20187, thành công kéo dài tuổi thọ của chúng lên 35%. Đây là tiền đề cho hàng loạt nghiên cứu xác nhận tầm quan trọng của các tế bào tương tự trong quá trình lão hóa.
Các chuyên gia khác cho rằng tiêu diệt các mầm bệnh lớn như ung thư, suy giảm trí nhớ và tim mạch là chìa khóa để kéo dài tuổi thọ. Tiến sĩ Peter Fedichev, nhà vật lý phân tử người Nga, nhận định con người có thể sống đến 150 tuổi một cách tự nhiên nếu không mắc các bệnh mạn tính.
Ông và các đồng nghiệp đã nghiên cứu dữ liệu di truyền của 500.000 người Anh nhằm theo đuổi mục tiêu "ngăn chặn quá trình lão hóa" thông qua đẩy lùi bệnh tật.
Họ sử dụng một mô hình toán học có tên DOSI (chỉ báo trạng thái sinh vật vận động), đánh giá yếu tố tuổi tác, bệnh tật và lối sống để tìm ra mức độ phục hồi của cơ thể, khả năng tự chữa lành sau chấn thương. Mô hình chỉ ra rằng độ tuổi tối đa của con người là 120 đến 150, không cần đến sự hỗ trợ của thuốc và các liệu pháp gene.
Phát hiện này được công bố trên tạp chí Nature Communications vào năm ngoái. Tuy nhiên, tiến sĩ Fedichev cảnh báo việc kéo dài tuổi thọ mà không cải thiện chất lượng cuộc sống sẽ là vô nghĩa, vì người cao tuổi có sức khỏe cực kỳ yếu và dễ bị bệnh.
"Chỉ giải quyết gốc rễ của sự lão hóa mới có thể đưa con người đến gần hơn với ước mơ tăng tuổi thọ lên 100 năm hoặc hơn. Đây là lý do chúng tôi kêu gọi các chuyên gia tập trung sự chú ý đến khía cạnh bệnh tật do lão hóa", ông nói.
Nghiên cứu năm 2019 trên tạp chí Aging Cell cho thấy chuột già được điều trị bằng Navitoclax, một loại thuốc chống ung thư thử nghiệm tiêu diệt các tế bào tuổi già, đã hồi phục sau cơn đau tim với tốc độ tương tự các con chuột trẻ hơn.
Nghiên cứu khác, công bố trên tạp chí EMBO, chứng minh rằng việc loại bỏ các tế bào già khỏi tim chuột cũng làm giảm triệu chứng lão hóa, mở rộng và làm dày vách ngăn cơ tim.
Tiến sĩ Alex Zhavoronkov, chuyên gia công nghệ sinh học và vật lý, cho biết: "Nhiều năm nữa, con người có thể kiểm soát cơ chế sinh học của sự lão hóa. Các công nghệ sẽ hồi phục chức năng đã mất từ tuổi già, tăng cường khả năng vốn có của cơ thể. Sự phát triển này giống với ô tô, điện thoại di động, internet và robot".
Thục Linh (Theo Daily Mail)