Theo PGS. TS. Hoàng Bùi Hải, Trưởng khoa Cấp cứu và Hồi sức tích cực, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, tình trạng gián đoạn đột ngột hoạt động bơm máu bình thường của tim làm ngừng trệ dòng máu tới các cơ quan gọi là ngừng tuần hoàn (ngừng tim ngừng thở), tỷ lệ tử vong 80-90% hoặc tổn thương não vĩnh viễn chỉ trong vài phút.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ, cứ 10 người ngưng tim ngoài bệnh viện thì khoảng 9 người tử vong.
Ngừng tuần hoàn có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, cả những người chưa bao giờ phát hiện bệnh tim mạch trước đây. Nếu được nhận biết sớm và tích cực cấp cứu đúng cách, bệnh nhân vẫn có thể giữ được mạng sống và bảo tồn các chức năng thần kinh về sau, theo bác sĩ.
Ba dấu hiệu sớm để phát hiện một người ngừng tuần hoàn là đột ngột mất ý thức; ngừng thở hoặc thở ngáp; không có dấu hiệu mạch lớn đập (mạch cảnh ở cổ và mạch bẹn). Một số biểu hiện khác như đau tức ngực, khó thở, mệt thỉu, hồi hộp, đánh trống ngực. Tuy nhiên, ngừng tuần hoàn đột ngột có thể xảy ra mà không có bất kỳ dấu hiệu báo trước nào.
Theo bác sĩ, cấp cứu ngay tại chỗ cho người bệnh ngừng tuần hoàn rất quan trọng, hạn chế tổn thương. Nhiều trường hợp ngừng tuần hoàn từ nhà hoặc ngừng tuần hoàn trên đường vận chuyển đến bệnh viện, được cấp cứu hiệu quả, qua nguy kịch.
Như một sản phụ ngừng tim ngừng thở đã được các y bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu ép tim liên tục trong 120 phút, tháng 4/2022. Bệnh nhân được cứu sống, ra viện sau hai tuần điều trị hồi sức tích cực, não không bị ảnh hưởng. Tháng 10/2022, bác sĩ nam, 62 tuổi, đang làm việc thì bị nhồi máu cơ tim cấp, ngưng tim, ngưng thở tổng cộng 90 phút. Ông được đội cấp cứu đi cùng ép tim ngoài lồng ngực liên tục, sau đó cũng thoát nguy kịch.
Ngày 29/10/2022, tại Itaewon, Hàn Quốc, xảy ra thảm kịch giẫm đạp khiến ít nhất 151 người chết. Trong nhiều video ghi lại hiện trường, người ta hình thấy hình ảnh các nạn nhân được nhân viên cấp cứu ép ngực để hồi sức tim phổi, cứu sống họ.
Tuy nhiên, nhiều trường hợp ngưng tim không được cấp cứu kịp thời nên không qua khỏi. Như trường hợp bệnh nhi 3 tuổi, ở Quảng Ngãi, bị hóc hạt bí, đã được điều trị ổn định tại viện, hôm 26/1. Sau đó, gia đình tự ý đưa bé về nhà, 4 giờ sau trở lại bệnh viện thì mạch cổ không bắt được, toàn thân tím tái, lồng ngực không di động, đồng tử giãn, bụng chướng, ngưng thở, ngưng tim ngoại viện không rõ nguyên nhân.
Bác sĩ khuyên khi phát hiện người bị ngừng tuần hoàn, bạn cần gọi to để tìm sự giúp đỡ của người khác. Hãy thông báo rằng có người bị ngừng tim và nhờ người gọi điện ngay cho đơn vị cấp cứu ngoại viện hoặc nhân viên y tế gần nhất. Nên nói rõ tình trạng bệnh nhân để có hỗ trợ ngay lập tức.
Tiếp theo, tiến hành ép tim ngoài lồng ngực với nguyên tắc ép nhanh, ép mạnh và hạn chế gián đoạn trong quá trình thực hiện. Lưu ý, đặt nạn nhân nằm ngửa trên nền cứng; đặt hai tay của mình vào giữa ngực nạn nhân, ở vị trí 1/3 dưới xương ức. Sau đó nhanh chóng ép vào ngực với tốc độ 100-120 lần mỗi phút, độ sâu mỗi lần ép tim khoảng 5 cm, để cho lồng ngực của nạn nhân nảy lên hết sau mỗi lần ép tim. Bạn nên ép tim liên tục, hạn chế gián đoạn cho đến khi thấy nạn nhân có dấu hiệu bắt đầu thở hoặc khi nhân viên y tế 115 đến. Nếu có nhiều người giúp đỡ thì thay phiên nhau ép tim cho nạn nhân mỗi 2 phút.
Theo Hiệp hội Tim mạch Mỹ, nếu chưa được đào tạo bài bản, hãy ép tim cho đến khi nạn nhân có dấu hiệu cử động hoặc nhân viên y tế đến cấp cứu.
Bạn có thể dùng máy khử rung tim tự động (AED), thường có sẵn ở sân bay, nhà ga, bệnh viện, và làm theo hướng dẫn bằng giọng nói. Tiếp tục ép tim trong khi máy khử rung tim đang sạc. Bác sĩ sẽ kết hợp thêm nhiều phương pháp khác như dùng thêm thuốc trợ tim, vận mạch, sốc điện...
Phòng tránh ngừng tuần hoàn đột ngột
Ngừng tuần hoàn đột ngột thường liên quan đến bệnh lý tim mạch, phổi, thần kinh, tai nạn, ngộ độc.... Do đó, người dân cần phải kiểm soát các yếu tố nguy cơ, khống chế tốt các bệnh nền, khám sức khỏe định kỳ để phát hiện một số bất thường tiềm tàng...
Kiểm soát các yếu tố nguy cơ của bệnh mạch vành, đột quỵ như bỏ hút thuốc lá; điều trị tăng huyết áp (cơ bản quanh 120/80 mmHg), rối loạn lipid máu; kiểm soát cân nặng; kiểm soát tốt đường huyết, tăng cường vận động.
Các yếu tố khác có thể làm tăng nguy cơ ngừng tuần hoàn đột ngột như sử dụng ma túy hoặc các chất gây nghiện, bệnh thận mạn tính. Người khỏe mạnh cần đi khám định kỳ để kịp thời phát hiện bệnh và điều trị.
Khi đột ngột có các biểu hiện đau ngực, đánh trống ngực, nhịp tim nhanh hoặc không đều, khò khè không giải thích được, khó thở, có cơn ngất hoặc thỉu, chóng mặt... cũng cần đi khám sớm.
Minh An