Trả lời:
Theo Hiệp hội Tâm thần Mỹ, hội chứng sợ kim tiêm cũng được xếp vào nhóm rối loạn lo âu, một dạng rối loạn tâm thần thường gặp. Đây là cơ chế nhằm bảo vệ cơ thể khỏi bị tổn hại, có thể phát triển thành chứng rối loạn tâm thần suy nhược.
Các dấu hiệu bao gồm: Nhịp tim và huyết áp tăng đột ngột khi nhìn thấy kim tiêm; hoặc giảm nhịp tim gây giảm huyết áp; ngất xỉu; lo lắng tột độ không giải thích được; hoảng loạn khi thấy kim tiêm... Ở trẻ em, bé có thể khóc, nổi cơn thịnh nộ, lạnh cóng và bám víu vào người lớn. Nỗi sợ có thể tiến triển thành các cơn hoảng loạn, mất ngủ và né tránh đi khám bác sĩ kể cả khi trẻ lớn lên.
Sợ tiêm là tình trạng thường gặp ở trẻ nhỏ, bạn có thể giúp các bé vượt qua nỗi sợ này bằng nhiều cách như dưới đây.
Không nói dối trẻ
Ba mẹ nên giải thích với con về lợi ích của việc tiêm ngừa vaccine, không nên nói dối trẻ. Cần báo trước khoảng một ngày tiêm để trẻ chuẩn bị tâm lý và thích ứng. Không nên báo việc tiêm ngừa cho trẻ quá sớm vì dễ khiến trẻ căng thẳng, lo sợ kéo dài.
Chơi trò chơi bác sĩ
Phụ huynh có thể sắm một bộ đồ chơi bác sĩ, thông qua việc làm quen với các dụng cụ y tế đồ chơi, việc thực hành làm bác sĩ, thực hành tiêm ngừa sẽ giúp trẻ cải thiện tình trạng sợ tiêm.
Giữ tâm trạng thoải mái, bình tĩnh
Việc đầu tiên để bé không sợ tiêm là bố mẹ cần giữ tâm trạng thoải mái, bình tĩnh, vui vẻ. Bởi bố mẹ lo lắng có thể ảnh hưởng tâm trạng của bé, khiến bé càng sợ tiêm.
Mang theo đồ vật yêu thích của trẻ khi tiêm
Mang theo đồ vật yêu thích có thể làm phân tán sự chú ý của bé, cải thiện tình trạng sợ tiêm. Đối với trẻ mới chập chững biết đi, có thể mang theo gấu bông hay sách ảnh đầy màu sắc. Còn đối với bé lớn hơn có thể cho các bé xem những video vui nhộn hoặc chơi trò chơi.
Đánh lạc hướng sự chú ý của trẻ
Phụ huynh có thể cho trẻ xem phim hoạt hình, đọc sách hay chơi cùng trẻ để giúp con quên đi nỗi sợ kim tiêm. Các điều dưỡng cũng có thể vừa trò chuyện, chơi đùa với bé vừa tiêm ngừa nhân lúc trẻ không để ý.
Hít thở sâu
Việc hít thở sâu có thể giúp thư giãn, giảm căng thẳng và hạn chế tập trung vào việc tiêm ngừa hơn. Vì thế, mẹ hãy hướng dẫn bé cách hít sâu bằng mũi và thời ra bằng miệng khoảng 3 - 5 lần.
Tạo cảm giác thoải mái cho trẻ
Một cái ôm vỗ về hay một cái nắm tay có thể xoa dịu cảm giác bất an của trẻ. Đồng thời, mẹ cũng nên nhắn nhủ với các điều dưỡng hãy nhẹ nhàng và kiên nhẫn với trẻ hơn vì trẻ sợ kim tiêm.
100% điều dưỡng viên tại VNVC được đào tạo bài bản kỹ thuật tiêm không đau và kỹ năng giao tiếp, xoa dịu tâm lý các bé. Trung tâm sử dụng hai kim tiêm kích thước lớn và nhỏ trong thao tác rút vaccine và tiêm, giúp giảm cảm giác đau trong quá trình tiêm ngừa. VNVC còn có khu vui chơi giúp trẻ quên đi căng thẳng sau tiêm.
Nguyễn Thị Kim Oanh
Giám đốc điều dưỡng Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC