Trả lời:
Một số em bé từ khi lọt lòng hoặc trong vòng 1-3 năm đầu đã xuất hiện những đám da sẫm màu (xanh lơ, nâu, đen) hoặc đỏ tươi, ngang với mặt da, không gây cảm giác đau ngứa gì. Những vết này có thể gặp ở bất cứ vùng da nào, nhưng thông thường nhất là vùng mông, lưng, cổ, mặt.
Các vết sẫm màu xuất hiện do ứ đọng và tăng bất thường sắc tố melanin dưới da, có thể kèm theo tăng lông. Dùng một phiến kính trong ấn mạnh xuống vùng da đó, màu sẫm không mất vì sắc tố đã cố định có tính cách bẩm sinh ở trung bì và thượng bì vùng tổn thương. Các vết sẫm màu đó được gọi là bớt sắc tố.
Các vết màu đỏ tươi xuất hiện do sự giãn nở quá mức và thường xuyên của các động mạch nhỏ dưới da, làm máu dồn đọng nhiều tới vùng da đó. Dùng phương pháp ấn kính như trên, hoặc dùng đầu ngón tay miết lên vùng tổn thương, thì da chuyển sang màu đỏ nhạt hoặc bình thường. Vì lúc này, các tiểu động mạch bị ép làm máu bị dồn ra vùng xung quanh. Ngược lại, khi nhấc kính lên hoặc bỏ ngón tay ra, máu lại dồn trở về và vùng tổn thương lại trở lại đỏ tươi như trước. Các vết đỏ tươi đó là u máu phẳng. Nếu tiểu động mạch giãn nở ở mức cao hơn, thành búi, thành chùm, thành u gồ ghề trên mặt da thì nó sẽ là u máu phồng (hoặc u máu hang).
Đối với bớt sắc tố và bớt u máu, dân gian gọi là vết chàm (màu xanh lơ), vết đen, vết chó vá, thánh đóng dấu... Bớt sắc tố đơn thuần hoặc có lông, kể cả bớt u máu phẳng, nếu không bị kích thích sẽ hoàn toàn lành tính. Chúng có thể tăng kích thước, nhưng rất chậm, tới mức nào đó sau tuổi dậy thì sẽ dừng và cố định lâu dài, không ảnh hưởng sức khỏe, không biến chứng thành ung thư. Riêng đối với u máu hang, nếu bị xây xước, nó có thể chảy máu âm ỉ, hoặc ồ ạt, dẫn tới nhiễm khuẩn đe dọa tính mạng, cần được xử trí tích cực ở cơ sở y tế chuyên khoa.
Nhìn chung đối với bớt sắc tố hoặc bớt u máu phẳng kích thước nhỏ và ở vùng da kín, ít bị kích thích chấn thương... thì có thể không cần xử trí. Đối với các bớt kích thước to, ở vùng da hở, ảnh hưởng đến thẩm mỹ, cần khám và xử trí. Tùy trường hợp (theo loại bệnh, lứa tuổi, vị trí, kích thước tổn thương), có thể áp dụng: áp tuyết carbon, chiếu tia X sâu hoặc nông, tia laser, phẫu thuật thẩm mỹ. U máu phẳng ở trẻ em có thể điều trị bằng cocticoid do thầy thuốc chuyên khoa chỉ định và theo dõi chặt chẽ.
Bệnh nhân không nên tự động bôi thuốc hoặc các chất hóa học tẩy màu, dễ gây cháy da, lở loét, nhiễm khuẩn. Không nên cạo lông trên đám bớt sắc tố vì càng cạo, lông càng mọc nhanh, cứng hơn, gây đau khi va chạm.
Đối với trường hợp của con chị, tốt hơn hết là cho cháu đi khám bệnh sớm ở cơ sở y tế chuyên khoa để được chẩn đoán, hướng dẫn phòng bệnh hoặc xử trí thích hợp.
GS Nguyễn Xuân Hiền, Sức Khỏe & Đời Sống