Xung quanh việc chuyên gia Nhật đề nghị thêm 2 tháng thí điểm làm sạch sông Tô Lịch, nhiều độc giả VnExpress cho rằng, công nghệ Nano-Bioreactor không thể xử lý được tận gốc vấn đề:
Các nhà khoa học chỉ nêu đi nêu lại kết quả của nghiên cứu là tăng hàm lượng Oxy hòa tan (DO) và giảm độ dày của bùn. DO tăng là hiển nhiên (liên tục cung cấp Oxy vào nước thì sao nó không tăng?). Chúng tôi quan tâm hệ thống vi sinh vật hàm lượng, tỷ lệ như thế nào? Mật độ tảo ra sao? Động vật thủy sinh đã có thể sống chưa?...
Độ dày của bùn giảm, xin hỏi giảm do cái gì? Nếu do phân hủy thì không lẽ cả một mét bùn đó toàn bộ là chất hữu cơ? Theo tôi bùn giảm tại khu vực nghiên cứu là do tác động của hệ thống bơm (cơ học).
Tựu chung lại, xử lý ô nhiễm môi trường theo cách của Nhật là có cơ sở, (tăng hàm lượng oxy kích hoạt hệ thống vi khuẩn có lợi; tạo giá bám cho phát triển hệ thống lọc sinh học xử lý ô nhiễm hữu cơ), tuy nhiên không thể 1-2 tháng sẽ có kết quả. Nên tập trung nghiên cứu hàm lượng (C,N,P) thay vì loanh quanh đo DO cũng như độ sâu của bùn.
Chúng ta đang xử lý phần ngọn thay vì xử lý phía gốc. Nguồn ô nhiễm do đâu? Do nước xả thải, do ý thức vất rác bừa bãi... Khi chúng ta xử lý tại sông thì gây thiếu mỹ quan, lượng bùn lắng rất nhiều... Nếu dùng nước hồ Tây rửa sông thì cuối nguồn xử lý rất khó khăn. Bạn thử tưởng tượng lượng nước thải của cả thành phố đều gom vào một mối sẽ nguy hiểm như nào?
Theo tôi nên dùng công nghệ vi sinh, bể lắng xử lý chung cho các đường nước thải. Có thể xây các trạm cách nhau khoảng một km. Dùng cống ngầm dẫn nước thải dọc sông để gom nước. Song song đó là các bể lắng sẽ dùng các chất tẩy rửa làm trong nước. Cuối cùng xả thải ra sông.
Nguồn kinh phí để xây dựng và vận hành từ người dân mà ra. Chúng ta thu tiền rác thải nhưng không thu tiền nước thải đó là điều vô lý. Lượng nước thải sẽ tính theo lượng nước dùng sinh hoạt và bên thu tiền nước sẽ tính.
Làm sao có thể xử lý được, khi nước thải của hàng trăm nghìn hộ dân, quán ăn, nhà hàng đổ vào sông Tô Lịch? Không thể đổi lỗi cho người dân được vì chỉ có một đường cống và nó lại thoát thẳng xuống sông Tô Lịch, khác nào là nơi chứa nước thải sinh hoạt?
Sông Tô Lịch ngày nay bắt đầu từ phường Nghĩa Đô thuộc quận Cầu Giấy (phía nam đường Hoàng Quốc Việt), chảy cùng hướng với đường Bưởi, đường Láng và đường Kim Giang về phía Nam, Tây Nam rồi ngoặt sang phía Đông Nam và đổ ra sông Nhuệ ở đối diện làng Hữu Từ thuộc xã Hữu Hòa, Thanh Trì.
Biện pháp tốt nhất là làm 2 hệ thống cống rãnh: một là dùng cho nước thải sinh hoạt, sẽ đến nhà máy xử lý nước thải sau đó đổ ra sông Hồng... Thứ hai là hệ thống thoát nước mưa, cái này có thể chảy xuống sông Tô Lịch, như vậy có thể giải quyết tất cả các vấn đề về sông Tô Lịch.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.