Dự án thí điểm làm sạch một đoạn sông Tô Lịch và một góc Hồ Tây bằng công nghệ Nano-Bioreactor của Nhật Bản đang được nhiều người dân quan tâm. Tuy nhiên, nhiều độc giả VnExpress lại nghi ngờ về tính khả thi của dự án khi chưa xử lý được tận gốc của vấn đề là nguồn nước thải sinh hoạt:
Ý tưởng và phương pháp xử lý là xuất sắc. Tuy vậy, thực hiện ở sông Tô Lịch nơi dòng nước thải bẩn từ đầu nguồn cứ liên tục, không kiểm soát được thì không có ý nghĩa gì. Để giải quyết, phải hoàn thành hệ thống thu gom nước thải sinh hoạt của người dân cũng như các cơ quan, đơn vị dọc theo sông để xử lý tập trung, thì mới mong sông Tô Lịch sạch được.
Nguồn nước của Sông Tô lịch ngày nay là nước xả thải, nếu không có nguồn nước sạch dẫn vào thì khó có thể xử lý sạch. Theo tôi biết, trước đây sông bắt nguồn từ sông Hồng và thông cả với Hồ Tây, còn bây giờ đầu nguồn từ đoạn Bưởi và nhận vào mình hệ thống xả nước thải sinh hoạt - khác gì cái cống nước thải lộ thiên chứ đâu còn là sông nữa.
Theo tôi công nghệ này chỉ áp dụng cho ao tù, hồ tù mà thôi. Còn sông Tô Lịch mỗi ngày nhận 150.000 m3 nước thải bẩn đổ vào thì chẳng nghĩa lý gì. Việc cấp bách là bơm nước sông Hồng qua hồ Tây để bão hoà một phần lớn nước thải. Còn đầu tư lâu dài là thu gom riêng và lọc trước khi đưa trở lại sông. Thế mới triệt để được.
Sông Tô Lịch đâu chỉ có dài 300m? Muốn giải quyết phải hiểu rõ nguyên nhân từ đâu? Các biện pháp, pháp lý, chế tài thế nào, thời gian bao lâu? Khơi khơi đặt cái máy lọc có một đoạn 300m vừa tốn kém vừa chẳng được gì.
Tôi tin công nghệ của Nhật Bản có thể làm sạch đoạn sông này. Nhưng vấn đề là sạch được bao lâu khi mà các đầu cống nước thải sinh hoạt vẫn đổ trực tiếp ra sông? Có thể đoạn đó sạch nhưng các đoạn khác bẩn lại xâm lấn ra thôi.
Làm sạch rồi làm gì nữa? Làm sạch trong một hai ngày hay là làm sạch trong hàng trăm năm? Liệu có sạch khi hàng ngàn cống thải của vài triệu dân Hà Nội vẫn đổ xuống sông Tô Lịch?
Muốn dòng sông Tô Lịch sạch phải xử lý từ nguồn gốc ô nhiễm khởi đi, từ ý thức của mỗi người không ném rác bừa bãi, rồi đến hệ thống cống rãnh, và cuối cùng mới đến xử lý dòng sông.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.