Tôi sinh năm 1983, có vợ và 2 con gái sinh năm 2010 và 2013. Hiện tại kinh tế gia đình tạm ổn khi thu nhập trên 25 triệu một tháng. Tôi ở Bình Dương, có 2 mảnh đất, trong đó có một miếng 1 ha và đang chuẩn bị quy hoạch với số tiền tầm 11-12 tỷ đồng.
Hai vợ chồng làm công ty và chưa bao giờ kinh doanh. Khi có được số tiền khá lớn, chúng tôi vẫn chưa biết phải làm gì để có thể sinh lời với số tiền trên ngoài việc gửi ngân hàng lấy lãi tiết kiệm hàng tháng. Nhờ chuyên gia tư vấn giúp tôi cách quản lý cũng như cách sử dụng số tiền cho hợp lý, đảm bảo việc giữ gìn số tiền và hạn chế trượt giá.
Hienhuynhhth
Chuyên gia tư vấn:
Với thu nhập ổn định hàng tháng, bạn đã có một cơ sở tương đối vững chắc để bắt đầu. Khi sở hữu thêm số tiền lớn như 11-12 tỷ đồng từ miếng đất 1 ha mang lại, việc đầu tư thông minh và phân bổ số tiền này một cách khôn ngoan sẽ là điều quyết định sự thành công của kế hoạch tài chính.
Do thông tin nhận được cũng khá ít ỏi nên tôi không rõ miếng đất 1 ha đang chuẩn bị quy hoạch với số tiền 11-12 tỷ là số tiền mảnh đất bạn sẽ được đền bù sau quy hoạch hay là giá trị dự kiến của miếng đất có được sau khi được hưởng lợi từ quy hoạch. Tôi cũng chưa rõ miếng đất thứ hai của bạn là loại hình gì, diện tích và giá trị dự kiến. Dù vậy, với thông tin nhận được, tôi có các đánh giá và đề xuất như sau.
Trường hợp thứ nhất là gia đình bạn nhận được số tiền 11-12 tỷ đền bù do quy hoạch. Với số tiền này, bạn có thể có rất nhiều lựa chọn đầu tư để có được danh mục đầu tư đa dạng các lớp tài sản và tốc độ tăng trưởng tốt như bất động sản, cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ... Tuy nhiên, với các tài sản như cổ phiếu, trái phiếu và chứng chỉ quỹ, cần có những mức độ hiểu biết nhất định hoặc sự hỗ trợ, đồng hành của các chuyên gia am hiểu.
Nếu tự đầu tư và với sự hiểu biết chưa nhiều như bạn đã nêu, theo tôi, bạn có thể phân bổ khoảng 50% số tiền vào bất động sản đầu tư cho thuê. Đây là phân khúc có tình an toàn cao, vẫn đảm bảo dòng tiền và có sự tăng trưởng tài sản nhất định.
Tiếp đó, bạn có thể cân nhắc phân bổ 30% số tiền vào phân khúc đất nền dân sinh có tiềm năng tăng trưởng tốt trong tương lai, ví dụ khu vực sẽ có hạ tầng tốt trong 3-5 năm tới. Điều này đòi hỏi sự nắm bắt kỹ lưỡng về thị trường và các yếu tố ảnh hưởng đến giá đất trong tương lai.
Cuối cùng, 20% còn lại nên dành cho quỹ dự phòng và các tài sản có tính thanh khoản cao như tiền gửi tiết kiệm và vàng. Nếu đã có quỹ dự phòng, tiền gửi tiết kiệm và vàng, 20% số tiền còn lại đó có thể mua trái phiếu hoặc quỹ trái phiếu uy tín, an toàn dưới sự tư vấn của chuyên gia.
Trường hợp thứ hai là gia đình có được số tiền 11-12 tỷ đồng do giá trị miếng đất tăng lên bởi được hưởng lợi từ quy hoạch và bạn dự định bán đi. Trong trường hợp này, lời khuyên của tôi là nếu bạn không gặp khó khăn về tài chính hoặc dòng tiền, có thể chờ đợi thêm 1-3 năm. Thời điểm đó, thị trường bất động sản dự kiến bước vào chu kỳ tăng giá và miếng đất của bạn có thể được hưởng lợi tương ứng.
Nếu bạn cần tiền, có thể xem xét bán miếng đất thứ hai nhưng hiện tôi không có thông tin về miếng đất kia để có thể đưa ra tư vấn sát và phù hợp hơn. Tôi khuyến nghị tìm hiểu kỹ lưỡng về thị trường bất động sản và sự phát triển của khu vực trước khi ra quyết định.
Lập kế hoạch tài chính cá nhân là một quá trình phức tạp, nhưng với sự hiểu biết và kế hoạch cụ thể, bạn có thể đạt được mục tiêu tài chính của mình. Việc đầu tư luôn đi kèm với rủi ro và tìm sự tư vấn từ các chuyên gia có kinh nghiệm là một phần quan trọng của quá trình này. Cuối cùng, tôi muốn chúc bạn may mắn và thành công trên hành trình tài chính của mình.
Trần Thị Thanh Mai
Chuyên gia Hoạch định tài chính cá nhân
Công ty Tư vấn đầu tư và Quản lý tài sản FIDT