Trả lời:
Ở tuổi 10-19, sự phát triển của các em trai cũng như gái không đồng đều. Cùng tuổi, cùng một lớp nhưng tầm vóc khác nhau là chuyện bình thường. Giới hạn về tầm vóc ở mỗi độ tuổi đã được nghiên cứu nhiều. Con trai 16 tuổi có chiều cao trung bình trong khoảng từ 1,34 m đến 1,62 m. Dưới mức đó mới đáng lo. Tuy nhiên, tầm vóc còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như:
Di truyền: Nếu bố mẹ cùng thấp và nhỏ con thì rất có thể con cũng thấp. Nếu bố hoặc mẹ cao lớn thì con sẽ có tầm vóc trung bình hoặc có chiều cao gần với bố hoặc mẹ tùy theo gene nào trội hơn.
Dậy thì chậm: Khi không thấy hiện tượng lớn nhanh ở tuổi dậy thì (15-16 tuổi) thì đừng vội lo, vì 1-2 năm sau, khi tuổi dậy thì đến thì trẻ sẽ lớn và tăng cân nhanh. Với một số trẻ, nhất là các em trai nếu đã có vài dấu hiệu dậy thì (mọc lông mu, cơ quan sinh dục to ra) nhưng cơ thể chưa phát triển lắm cũng là chuyện bình thường. Do đó, tuy có thua kém các bạn cùng lớp về tầm vóc nhưng chỉ trong thời gian không lâu sẽ đuổi kịp, nếu bố mẹ không thuộc tuýp người thấp bé.
Điều kiện sức khỏe: Một số bệnh liên quan đến tuyến giáp trạng, bệnh mạn tính hay bệnh do nhiễm sắc thể bất thường cũng có thể làm cho tầm vóc thấp.
Để phát hiện nguyên nhân chậm phát triển về tầm vóc, thầy thuốc thường khám kỹ toàn trạng, tìm hiểu tầm vóc của bố mẹ, cho chụp X-quang bàn tay và cổ tay để xem tuổi xương có phù hợp với tuổi năm tháng không, từ đó biết được tiềm năng phát triển của trẻ. Ví dụ với trẻ 12 tuổi mà tuổi xương cổ tay mới là 8 chứng tỏ có sự chậm trễ về phát triển.
Các thầy thuốc có thể chỉ định hoóc môn tăng trưởng tổng hợp để giúp trẻ đạt đến chiều cao cần phải có. Không dùng thuốc này cho những em muốn cao lớn hơn mức tự nhiên hoặc những em thấp bé do di truyền.
BS Đào Xuân Dũng, Sức Khỏe & Đời Sống