Ngày 8/8, PGS.TS.BS Nguyễn Huy Thắng, Trưởng Khoa Bệnh lý mạch máu não Bệnh viện Nhân dân 115 (TP HCM), cho biết vừa nhận được trao đổi của đồng nghiệp về một nữ bệnh nhân 33 tuổi bị kiệt sức và vào hôn mê sâu sau khi gắng sức ở một cuộc thi chạy marathon, cự ly 42 km. May mắn, qua hai ngày thở máy, bệnh nhân dần phục hồi.
Đây là tình trạng đột quỵ do tăng nhiệt độ quá cao trong cơ thể (trên 40 độ C), là hậu quả của việc hoạt động gắng sức quá ngưỡng, được gọi bằng thuật ngữ "stroke heat exhaustion". Vấn đề này là một cấp cứu y khoa vì có thể gây tử vong nếu không được xử trí kịp thời.
Theo bác sĩ Thắng, nhiệt độ trong cơ thể trung bình khoảng 37 độ C. Khi cơ thể nóng lên (do nhiệt độ môi trường hoặc do hoạt động cường độ cao), việc tăng tiết mô hồi sẽ giúp điều tiết nhiệt độ phù hợp. Tuy vậy, cơ chế này sẽ không còn hiệu quả, khi vận động cơ thể ở mức quá ngưỡng, đặc biệt trong điều kiện thời tiết quá nóng ẩm và không được cung cấp đủ nước.
Khi nhiệt độ cơ thể tăng quá mức, chuyển hóa tại các tế bào bị rối loạn. Ở mức độ nặng, tế bào não bộ có thể ngưng hoạt động gây phù nề và tổn thương não. Hệ tim mạch cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng do nhịp tim bị tăng lên kịch trần, đường kính mạch máu giãn tối đa và tụt huyết áp. Tình trạng cô đặc máu làm cho máu dễ bị vón cục và gây thuyên tắc. Việc giảm lưu lượng tưới máu có thể gây suy chức năng những cơ quan đích như não, tim, thận... Ngoài ra, mất nước nhiều qua mồ hôi sẽ dẫn đến hậu quả giảm natri máu và rối loạn nước - điện giải.
Năm 2017, trong dòng người tỵ nạn từ Mexico đến Texas, 8 người tử vong với nhiều tổn thương cơ quan trong toa xe, được cho là do nguyên nhân "heat stroke" (sốc nhiệt), từng gây chấn động tại Mỹ. Một nghiên cứu công bố trên tạp chí y khoa hàng đầu thế giới NEJM, qua gần 11 triệu người chạy marathon trong 10 năm (2000-2010), đã có 59 trường hợp bị ngưng tim. Gần đây, một số trường hợp tử vong được ghi nhận khi tham gia các cuộc chạy marathon.
Thể thao được xem là giải pháp tốt nhất mang lại sức khỏe lâu dài, tuy vậy bác sĩ khuyến cáo cần lưu ý đến những triệu chứng có tính chất báo động cảnh báo cơ thể sắp đến ngưỡng để dừng lại như đau đầu, chóng mặt, nôn ói, mồ hôi nhiều bất thường, nhịp tim quá nhanh, co cứng cơ (chuột rút)...
Ở những cuộc thi thể thao, quá trình chuẩn bị thể lực trước đó đóng vai trò rất quan trọng. Một số chuyên gia đề nghị trước cuộc thi chạy với khoảng cách 10 km, cần phải có thời gian tập luyện từ một tháng. Với chạy marathon 42 km, thời gian chuẩn bị có thể kéo dài nhiều tháng trước đó.
Ngoài ra, việc kiểm tra sức khỏe tổng quát và tim mạch cũng được khuyến cáo trước khi tham gia, giúp phát hiện được những bệnh lý ẩn chưa gây triệu chứng để có giải pháp kịp thời.
Lê Phương