"Nhà tôi có ba người, nếu tính theo mức giá vé máy bay hiện giờ thì để về quê chín ngày Tết, nguyên chi phí di chuyển đã ngoài 20 triệu đồng rồi. Chúng tôi đi làm vất vả, tích lũy cả năm mà nhìn giá vé khiến cả nhà đều buồn vì vẫn không biết là có đủ tiền để về quên Tết này hay không? Giá vé máy bay cao như thế này chẳng khác gì gián tiếp làm những người lao động xa quê như tôi không có Tết. Mong các cơ quan chức năng có biện pháp điều chỉnh để làm sao cho giá vé xuống mức hợp lý với thu nhập của người dân".
Đó là chia sẻ của độc giả Tranhai trước thực trạng "Giá vé máy bay Tết Ất Tỵ tăng cao". Cụ thể, dù còn hơn ba tháng nữa mới tới kỳ nghỉ lớn nhất năm, nhưng vé khứ hồi chặng TP HCM - Hà Nội dịp Tết Ất Tỵ dao động 6,6-7,4 triệu đồng, tăng khoảng 8% so với năm trước. Giá chặng bay ngách từ TP HCM đi các tỉnh miền Bắc và Trung cũng tương đương "đường bay vàng", đắt thêm trung bình 5-8% so với năm trước.
Cùng chung nỗi trăn trở vì gánh nặng chi phí đi lại dịp Tết Nguyên đán, bạn đọc DuyNghi Le bình luận: "Tôi là chủ của một cơ sở kinh doanh nhưng cũng không dám mua vé máy bay cho cả gia đình bốn người về quê ăn Tết. Lý do là vì giá vé quá cao. Tính riêng tiền vé máy bay cho bốn người đã khoảng 48 triệu đồng (khứ hồi), chưa tính chi phí di chuyển hai chiều từ nhà đến sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất. Tổng chi phí đi lại vì thế ít nhất cũng rơi vào khoảng 50-60 triệu đồng - con số quá lớn với chúng tôi. Với người lao động bình thường, số tiền này có thể bằng tổng tích lũy của cả một năm".
>> Sao cứ bắt khách phải chịu giá cao khi du lịch dịp lễ, Tết
Đại diện các hãng hàng không cho biết giá vé tăng do khan hiếm tàu bay và chi phí đầu vào biến động. Từ 1/3, trần giá vé máy bay nội địa tăng trung bình 3,75%. Ngoài ra, chi phí sửa chữa, bảo dưỡng và phí thuê, mua thiết bị bay tăng, cộng thêm chênh lệch tỷ giá... cũng góp phần khiến giá vé máy bay khó giảm.
So sánh giá vé máy bay với thu nhập trung bình của người lao động, độc giả Tttrungbdsy chỉ ra sự bất hợp lý: "Nếu lương trung bình của người lao động ở thành phố lớn khoảng 20 triệu đồng một tháng (thực tế không được vậy) thì giá vé máy bay mỗi chiều hiện tại đã chiếm 30% rồi. Đây thực sự là một con số rất khủng khiếp nếu so với thu nhập bình quân của người Việt. Chúng ta có thu nhập thấp, nhưng giá cả nhiều mặt hàng, dịch vụ đang quá cao cũng cao. Cứ đá này thì có thể Tết này chúng tôi cũng không dám về quê".
Thấu hiểu những áp lực về quê đón Tết khi giá vé máy bay tăng cao, bạn đọc Kiên Pt nhận định: "Mấy chục năm sống và lập nghiệp ở Sài Gòn, tôi từng nhiều lần phải chấp nhận mua vé máy bay hạng thương gia do công việc và lễ Tết, hay khi gia đình có chuyện gấp. Giờ nhìn lại số tiền bản thân đã phải bỏ ra cho việc sử dụng dịch vụ hàng không, tôi mới thấy đó là một con số rất lớn. Quả thật, với người miền Bắc vào Nam, làm công ăn lương cơ bản, với thu nhập trung bình như tôi, ngoài chuyện ăn ở, học hành của con cái, tiền bỏ ra cho mỗi lần về quê khi Tết đến là một thách thức không hề nhỏ".
* Gia đình bạn chi bao nhiêu cho việc di chuyển mỗi lần về quê ăn Tết? Chia sẻ bài viết tại đây.
- Tính toán khi vé máy bay khứ hồi Phú Quốc 6 triệu đồng
- 'Vé máy bay tới TP HCM 30 triệu đồng, gia đình tôi đi du lịch Thái Lan'
- Cơ hội cho đường sắt khi vé máy bay về quê gần 4 triệu đồng
- 'Giá vé máy bay đi Phú Quốc đắt vô lý'
- Tăng giá vé máy bay - 'tư duy làm du lịch chặt khúc'
- Vé máy bay trong nước tăng cao, sao vé nước ngoài rẻ?