Trong một tháng qua, có hơn 20 nhà băng giảm lãi suất tại hầu hết kỳ hạn. Ngoài ra, vẫn có một vài đơn vị điều chỉnh tăng nhưng chỉ áp dụng cho số ít thời hạn tiền gửi, như tại Sacombank (kỳ hạn 1-3 tháng), BacABank (12 tháng), SaigonBank (9-12 tháng).
Khảo sát của VnExpress với hơn 40 ngân hàng tới 20/3 cho thấy, khoảng 10 đơn vị còn niêm yết lãi suất từ 5% trở lên cho kỳ hạn 12 tháng (là kỳ hạn được nhiều người ưa chuộng), gồm NamABank, VietBank, SeABank, Oceanbank, Sacombank, DongABank, Saigonbank, VietABank, LPBank và Woori Bank.
Hiện, lãi suất cao nhất cho khoản tiền gửi không quá 12 tháng là 5,3%, giảm 0,4% so với tháng trước.
Với các kỳ hạn thấp hơn như 9 tháng, mức lãi phổ biến từ 3% đến 4,8%; 6 tháng dao động 2-4,7% một năm.
Nếu muốn hưởng lãi tốt hơn, khách hàng có thể gửi các kỳ hạn dài như 13-24 tháng, lên tới 5,8% tại VietABank, OCB, HDBank, MB, NamABank, Sacombank, Saigonbank, LPBank hay BaoVietBank.
Đà giảm lãi suất tiết kiệm đã kéo dài suốt một năm qua, bắt đầu từ tháng 3/2023. Lãnh đạo các ngân hàng và giới phân tích nhận định mặt bằng duy trì ở mức thấp ít nhất đến giữa năm nay, sau đó có thể đảo chiều tăng nhẹ khi nhu cầu tín dụng đi lên. Tuy nhiên, mặt bằng lãi khó quay lại mức cao như giai đoạn 2022.
Lãnh đạo một nhà băng cho biết họ thậm chí phải đưa lãi suất cho vay ngắn hạn về 4% một năm, thấp hơn lãi tiền gửi, để bơm vốn ra nền kinh tế.
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tính đến hết tháng 2, dư nợ tín dụng toàn hệ thống giảm 0,72% so với cuối năm ngoái, cho thấy nhu cầu vay vẫn ảm đạm, bên cạnh tính mùa vụ giai đoạn đầu năm.
Dưới đây là mức lãi suất tiết kiệm các ngân hàng sắp xếp từ cao tới thấp được niêm yết chính thức (cho khoản tiền dưới 1 tỷ đồng), không tính thỏa thuận thực tế của ngân hàng với khách quen, VIP, gửi tiền giá trị lớn.
Quỳnh Trang