Huyết chưng có thành phần chính là huyết heo được đánh đều, rồi chưng cách thủy trong lò áp suất hơn 4 tiếng đồng hồ. Khác với huyết luộc trong nước sôi rồi cắt thành cục nhỏ, huyết chưng mềm, giống như đậu hũ nóng.
Tô huyết chưng thêm bắt mắt khi cho thêm nội tạng: tim heo, hột mít, lá mía, bong bóng, phèo, lưỡi, óc heo và gừng cắt sợi cùng hành lá, tiêu xay phủ lên trên. Món ăn nóng với bánh mì theo kiểu phá lấu.
Chị Nguyễn Thị Hoa (45 tuổi) có 6 năm đi bán huyết chưng ở quận 12. Cách đây ít tháng, chị dời tiệm về số 122, đường Phạm Văn Hai, phường 3, quận Tân Bình và nơi đây trở thành địa chỉ thu hút thực khách.
Quê gốc ở TP Quy Nhơn (Bình Định), chị rất thích ăn những món có nội tạng heo như bánh hỏi cháo lòng. Sau chuyển vào Sài Gòn sinh sống, chị quen biết nhiều bạn là người Hoa. Biết chị thích ăn các món có lòng heo, họ chỉ cách nấu món huyết chưng kiểu Triều Châu.
Ý Thư, một thực khách nhận xét, tô đặc biệt ở quán chị Hoa rất đầy đặn gồm huyết, một phần óc heo, lưỡi, lòng, phèo, gan... ăn kèm bánh mì. Món ăn sẽ đỡ ngấy nếu ăn kèm hủ tiếu hoặc giá hẹ.
Chị Hoa cho biết trước đây ít thực khách biết đây là món gì. Sau khi được nhiều người chia sẻ trên mạng xã hội, quán đã dần đông khách. Từ bán một thau huyết chưng nhỏ trong những ngày đầu, bây giờ quán bán 8 thau cùng khoảng 100 kg thịt, nội tạng heo, tương đương 300 - 400 tô.
Chị Hoa chuẩn bị nấu huyết chưng từ 8h đến 14h, công đoạn mất nhiều thời gian nhất là làm sạch nội tạng. "Làm món ăn này cẫn tỉ mỉ, cực nhất là khâu lựa lông heo dính trong thịt, phèo. Nếu làm lòng heo 1, 2 tiếng rồi đem ra bán là tôi làm không được", chị cười và nói.
Huỳnh Nhi