Dạo một vòng quanh quận Mới tại thành phố Đan Đông, phía đông bắc Trung Quốc, giáp biên giới Triều Tiên, không ai có thể nghĩ rằng chỉ vài năm trước đây, nơi này từng dấy lên cơn sốt đất với niềm hy vọng về tương lai bùng nổ giao thương với quốc gia bên kia biên giới.
Chỉ vài ngọn đèn leo lắt phát ra từ các căn hộ bên trong tòa chung cư 30 tầng gần cầu Áp Lục, kết nối Đan Đông với thành phố Sinuiju của Triều Tiên ở bên bờ đối diện. Cây cầu này không được sử dụng từ thời điểm nó khánh thành vào năm 2013 đến nay, dù nó giúp rút ngắn thời gian đi lại chỉ còn 5 phút lái xe.
Cảnh tượng bây giờ khác hoàn toàn với năm 2018, khi giá nhà ở một số khu vực của quận Mới tăng hơn 50% chỉ vài ngày sau hội nghị thượng đỉnh lịch sử giữa lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in vào cuối tháng 4.
Trong suốt năm đó, bán đảo Triều Tiên tràn ngập bầu không khí nồng ấm, đánh dấu bằng chuyến thăm đầu tiên của Kim Jong-un đến Trung Quốc và cuộc gặp chưa từng có tiền lệ giữa ông với Tổng thống Mỹ Donald Trump lúc bấy giờ. Nhờ thế, Đan Đông, thành phố với dân số 2,5 triệu người, đã chứng kiến mức tăng giá nhà mạnh nhất từ trước tới nay và xu thế này tiếp tục kéo dài đến năm 2019.
Nhưng nhu cầu đã giảm đáng kể sau đó, khi niềm hy vọng vào một tương lai bùng nổ thương mại với Triều Tiên tiêu tan do đại dịch Covid-19 bùng phát hồi năm ngoái, khiến Bình Nhưỡng phải ra lệnh đóng biên nghiêm ngặt. Hoạt động đi lại qua biên giới bị cấm và giao thương bằng đường bộ, đường sắt, đường biển gần như bị gián đoạn hoàn toàn.
Số liệu mới nhất từ chính phủ Trung Quốc cho thấy giá nhà ở Đan Đông hồi tháng 3 tăng 4% so với năm ngoái, phù hợp với bầu không khí đầu tư chung của 70 thành phố được chính phủ theo dõi.
Một căn hộ ba phòng ngủ nhìn ra sông ở quận Mới hiện có giá 7.000 tệ (khoảng 100 USD) mỗi mét vuông, không cao hơn nhiều so với giá nhà hồi năm 2019.
Trước đây, ít nhất 70% lượng giao thương giữa Trung Quốc và Triều Tiên là qua cửa ngõ Đan Đông, những chuyến xe tải, xe container hàng ngày vẫn nối đuôi nhau qua lại trên cây cầu Hữu Nghị. Quận Mới được phát triển với kỳ vọng cây cầu Áp Lục sẽ thúc đẩy thương mại hơn nữa.
Chưa rõ lý do dẫn tới sự chậm trễ trong việc mở cửa cây cầu Áp Lục nhưng nguyên nhân được cho là do Bình Nhưỡng chưa đưa ra điều kiện xúc tiến kế hoạch. Trong lúc đó, các cơ sở hạ tầng xung quanh mà chính phủ Trung Quốc đã tốn lượng lớn tiền để phát triển, bao gồm hai đặc khu kinh tế, các tòa chung cư và trung tâm thương mại, hầu như vẫn trống không.
Một nhà môi giới bất động sản cho Singapore City, khu dân cư gần cây cầu mới, cho biết đã có sự thay đổi đáng kể về người mua hiện nay so với năm 2018.
"Thành phần khách hàng của chúng tôi bây giờ khác hoàn toàn so với năm 2018, khi giá nhà tăng mạnh nhất. Trước đây, chúng tôi đón người mua từ khắp nơi trên đất nước, nhiều người đến từ các tỉnh phía đông bắc, họ mua căn hộ để đầu tư", cô cho hay. "Hiện nay, khách hàng chủ yếu là dân địa phương muốn sống trong một căn hộ mới và không quan tâm tới việc bao giờ cây cầu mới đi vào hoạt động".
Nhà môi giới bất động sản này vẫn tự tin vào tiềm năng tăng giá của các căn hộ gần cây cầu Áp Lục. "Nếu cây cầu mở cửa, khu nhà của chúng tôi sẽ gần nó nhất. Mỗi mét vuông sẽ lập tức tăng giá ít nhất 15-20%", cô nói.
Dù vậy, không phải ai cũng ôm ước mơ này. "Khi bạn thực sự sống ở đây, bạn sẽ không đặt cược vào những niềm hy vọng như thế nữa", một giáo viên địa phương mua căn hộ trước năm 2018 chia sẻ. "Tôi thực sự cho rằng khu vực này tốt hơn để nghỉ hưu, bởi căn hộ mới hơn và cuộc sống ít bận rộn hơn. Nhưng thành thực mà nói, nơi này chỉ dành cho người nghỉ hưu thôi, bởi không có nhiều thứ diễn ra xung quanh và tôi thậm chí phải vào trung tâm thành phố nếu gặp vấn đề sức khỏe vì chúng tôi chỉ có một phòng khám nhỏ".
Một cặp vợ chồng cho biết họ chuyển đến quận Mới hai năm trước vì trường học trong khu vực tương đối tốt. "Nhưng ngoài ra không còn gì khác. Không có cửa hàng nào thực sự mở cửa và việc gọi taxi cũng thật bất tiện", một trong hai vị phụ huynh trẻ nói.
Vũ Hoàng (Theo SCMP)