"Tiếng nổ chói tai, giống như một cơn gió lớn thổi bay tất cả các cửa sổ. Trái tim tôi như thắt lại trong cơn hoảng loạn và tôi chỉ đứng yên tại chỗ", cô nhớ lại khoảnh khắc lúc 17h25’ ngày 17/4/1999, đủ ám ảnh suốt phần đời còn lại. Nhìn thấy một người đàn ông bị thương nằm trên đường, phủ đầy mảnh kính vỡ, Sandra chạy đến giúp và ôm mặt ngay khi thấy những chiếc đinh dài găm chi chít. Bên cạnh, một đứa bé khản cổ khóc, đầu chảy máu.
Họ là hai trong 48 người bị thương trong vụ đánh bom đinh hôm đó. Không ai thiệt mạng, nhưng hầu hết nạn nhân phải chịu những vết thương kinh hoàng, đặc biệt ở vùng mặt.
Cảnh sát London ra lệnh cho chính quyền Brixton phân tích hàng nghìn cảnh quay của camerra giám sát để tìm nghi phạm. Họ ngờ rằng phân biệt chủng tộc có thể đã là nguyên nhân đánh bom. Điều này sớm được chứng minh là đúng. Bảy ngày sau, vụ nổ thứ hai xảy ra tại Brick Lane, phía đông London, được mệnh danh thủ phủ của cộng đồng người Bangladesh ở thủ đô nước Anh.
Một quả bom được người dân tìm thấy trong hầm để xe ở phố Hanbury và ngay lập tức báo cảnh sát. Người này không biết làm gì khác ngoài việc bỏ quả bom vào cốp xe, với hy vọng giảm nhẹ sức công phá. Bom phát nổ ngay sau đó, khiến 13 người bị thương, nặng nhất là những người không may ở gần chiếc xe.
Những nạn nhân người Bangladesh tại khu phố miêu tả vụ nổ hôm đó khiến các mảnh vỡ bốc cao bốn tầng nhà. "Mọi người không biết phải đi đâu, hay làm cách nào để tự cứu mình", một trong 13 nạn nhân trả lời báo chí sau khi tỉnh lại trong bệnh viện.
Sau hai vụ đánh bom này, cảnh sát London đã lùng sục và tổng hợp các đoạn phim CCTV từ hai vụ tấn công đó và cung cấp hình ảnh của nghi phạm bí ẩn cho giới truyền thông. Hình ảnh của hắn được công bố chỉ một ngày trước khi hắn ném bom vào quán AdmiralDuncan. Rõ ràng biết rằng cảnh sát đang truy sát mình, kẻ này quyết định thực hiện vụ thứ ba, sớm hơn kế hoạch.
Quán rượu Admiral Duncan được biết đến là nơi sinh hoạt thường xuyên của cộng đồng người đồng tính. Người quản lý quán bar, Jonathan Cash kể đã nhìn thấy một chiếc túi vô chủ và vô tình chân chạm vào nó.
"Tôi gọi đồ uống và nghĩ về chiếc túi, cho rằng nó thuộc về ai đó. Tôi đã cân nhắc khả năng đó có thể là một quả bom, nhưng sau đó gạt đi ngay. Chẳng ai nghĩ mình là nạn nhân của một vụ đánh bom, cho đến khi nó thực sự xảy đến". Johnathan kể lại.
Khoảng 19h ngày 30/4/1999, vài phút sau cái đá chân của người quản lý, chiếc túi phát nổ. Quán khi ấy đã chật kín khách.
Jonathan may mắn sống sót sau vết thương của mình, nhưng ba người đã chết, 26 người bị bỏng nặng, 53 người khác bị thương.
Ngay đêm đó, lực lượng cảnh sát London huy động một biệt đội với vũ khí trang bị tận răng, ập vào căn hộ cách hiện trường không xa. Một gã trai thư sinh tóc ba phân loẻo khoẻo bình thản ra mở cửa với bộ đồ mặc nhà. "Ừ, mấy vụ đó đều do tôi làm đấy. Mình tôi", gã khủng bố David Copeland khi ấy mới 23 tuổi, nói.
Sinh tại Hampshire, cách thủ đô London 56 km về hướng tây, David bị bắt nạt suốt thời thơ ấu, vì tầm vóc nhỏ bé và có biệt danh là "Quý ông giận dữ". Nghỉ học năm 16 tuổi, David bắt đầu uống rượu và thử dùng ma túy. Anh ta làm nhiều nghề song không bao giờ gắn bó với việc gì quá lâu.
David khai rằng đã có những giấc mơ tàn bạo từ năm 12 tuổi. Năm 1997, hai năm trước khi thực hiện các vụ đánh bom đinh ở London, David tham gia một nhóm chính trị cực đoan. Lời lẽ phân biệt chủng tộc và kỳ thị người đồng tính đã giúp anh ta nhanh chóng nổi đình nổi đám. David nghiên cứu cách chế tạo bom từ pháo hoa và bắt đầu đọc các tài liệu phân biệt chủng tộc từ các nhóm cực đoan ở Mỹ.
Trong đêm David bị bắt, các sĩ quan cảnh sát London không khỏi ngỡ ngàng về kẻ thủ ác trẻ tuổi khi hắn ra mở cửa và điềm nhiên mời họ vào phòng ngủ của mình "thăm quan". Hai lá cờ Đức Quốc xã màu đỏ và đen được treo trên tường, cùng với một bức ảnh cắt dán rùng rợn và những mẩu báo về các vụ đánh bom và các hành động tàn bạo khác từ khắp nơi trên thế giới, bao gồm cả các cuộc tấn công của chính anh ta. David còn hào hứng "khoe" một file đồ họa miêu tả cách mình chế tạo ba quả bom đinh.
Sự lựa chọn mục tiêu của Copeland được các nhà xã hội học cho rằng, chỉ có thể được hiểu trong bối cảnh của những thập kỷ trước, trong đó "các dân tộc thiểu số" của Anh được biết đến chủ yếu thông qua không gian đô thị.
Một bác sĩ tâm lý tư vấn khác kết luận rằng Copeland thực sự bị rối loạn nhân cách nhưng nó không đủ nghiêm trọng để anh ta tránh được cáo buộc giết người. Tháng 6/2000, gã khủng bố tuổi nhận 6 bản án chung thân, ba trong số đó dành cho các vụ giết người và số còn lại là vì đã gây ra các vụ khủng bố bằng bom đinh.
Song có vẻ hắn không những không tỏ ra hối hận về hành động của mình mà còn bày tỏ mong muốn thực hiện nhiều tội ác hơn thế. Thái độ ngông cuồng của kẻ sát nhân gây phẫn nộ sâu sắc với toàn xã hội nước Anh và cả nghị trường.
Sau các vụ tấn công, cựu Thủ tướng Anh, Tony Blair đã có bài phát biểu lên án các hành vi của David Copeland trong một hội nghị quốc tế của những người theo đạo Sikh ở Birmingham. Trong đó, ông nhấn mạnh: "Những người thực sự đáng bị loại trừ khỏi xã hội, không phải là các chủng tộc và tôn giáo khác nhau của nước Anh mà là những kẻ phân biệt chủng tộc, những kẻ đánh bom, những tên tội phạm bạo lực, những người ghét viễn cảnh hoà hợp của nước Anh và cố gắng phá hủy nó".
Cho đến ngày nay, tên khủng bố vẫn ở trong Nhà tù HM Frankland ở Durham, cách thủ đô London hơn 400 km về phía Bắc. Đầu năm nay, David Copeland tuyên bố đã cải sang đạo Hồi với hy vọng có được "cơ hội sống thứ hai".
"Hắn ta cầu nguyện mỗi ngày và coi việc luyện tập như một người Hồi giáo là một cách để nhận được sự tha thứ và thay đổi. Nhưng đầu óc hắn vẫn điên loạn như lúc mới vào", một cựu tù nhân cùng phòng giam nói về David.
Năm 2014, sau khi tấn công một bạn tù, David Copeland bị phạt thêm 3 năm vào 6 án chung thân đã nhận trước đó.
Hải Thư (Theo BBC, Allthatinteresting)