Sáng hôm đó, trung tá Paul "Ted" Anderson thấy nhiều đồng nghiệp của ông tập trung quanh chiếc tivi. Khi tới gần, Anderson mới biết một máy bay vừa đâm vào tòa tháp phía bắc Trung tâm Thương mại Thế giới (WTC) ở thành phố New York.
"Tôi với họ đều vô cùng sửng sốt khi thấy máy bay thứ hai đâm vào tòa tháp còn lại lúc 9h03", Anderson, từng là thư ký văn phòng liên lạc các vấn đề quốc hội của Lục quân Mỹ, nói. "Chúng tôi đã xem nó trực tiếp và tôi gần như bị sốc".
Ngay sau đó, Anderson nhận được điện thoại của vợ, là giáo viên lớp 6 ở Bắc Carolina, người đang theo dõi và thảo luận về vụ tấn công với lớp của cô. Khi anh nói chuyện với vợ, chiếc máy bay thứ ba mang số hiệu 77 của hãng American Airlines lao thẳng vào giữa tòa 1 và 2 của Lầu Năm Góc. Anderson lúc đó ở tòa 2.
"Toàn bộ tòa nhà có cảm giác như bị nâng lên khỏi nền móng. Tôi nói 'bọn anh bị đánh bom rồi, anh phải tắt máy đây'. Sau đó tôi đứng dậy và hét lớn yêu cầu mọi người rời văn phòng".
Vụ tấn công vào trụ sở của Bộ Quốc phòng Mỹ ở Arlington, bang Virginia đã khiến 189 người thiệt mạng, gồm cả người ở Lầu Năm Góc và trên chuyến bay số 77, trong đó có cả nhóm khủng bố. Con số thương vong có thể còn lớn hơn nữa nếu không có hành động ứng phó kịp thời của các nhân viên và đội cấp cứu ngày hôm đó.
Khi máy bay lao vào Lầu Năm Góc lúc 9h37 sáng 11/9/2001, những người trong tòa nhà không lập tức biết chuyện gì đã xảy ra. Như Anderson kể, lúc đầu anh cũng nghĩ đó là vụ đánh bom. Một nhân viên an ninh cảnh báo Anderson cẩn thận khi mở cửa thoát hiểm, bởi lo sợ vụ ném bom chỉ là cách các tay súng dụ mọi người ra khỏi tỏa nhà.
Anderson không nghe thấy tiếng súng bên ngoài nên quyết định mở cửa và yêu cầu mọi người ra ngoài, đồng thời hộ tống một nhân viên đang mang thai tới nơi an toàn. Khi ra tới bên ngoài, anh cùng thượng sĩ lục quân Christopher Braman, người khi đó là đầu bếp ở Lầu Năm Góc, chạy tới địa điểm máy bay đâm vào.
"Chris và tôi lúc đó thấy có hai người phụ nữ nằm trên mặt đất. Người đầu tiên tôi đến gần bị gãy xương hông và bạn có thể thấy phần xương lộ ra ngoài. Cô ấy đã rất hoảng loạn", Anderson nhớ lại.
Anderson đưa người phụ nữ này rời tòa nhà. Sau đó, anh cùng Braman chạy vào trong Lầu Nam Góc để tìm những người khác. Họ đã thấy một phụ nữ bị kẹt dưới chiếc két sắt 9 ngăn (giống như tủ tài liệu nhưng nặng hơn), giải cứu và đưa cô ra ngoài. Họ cũng tìm thấy một người đàn ông bị bén lửa, sau đó nhanh chóng dập lửa cho anh ta và đưa tới nơi an toàn.
Người đàn ông này nói với họ bên trong vẫn còn nhiều người bị mắc kẹt, nên Anderson và Braman một lần nữa quay vào tòa nhà. Không riêng họ, nhiều nhân viên khác của Lầu Năm Góc cũng cố gắng chạy vào tòa nhà để giải cứu đồng nghiệp.
"Và đó là lúc chúng tôi xảy ra tranh cãi với nhân viên cứu hỏa", Anderson kể.
Nhân viên cứu hỏa được huấn luyện không cho phép mọi người quay vào trong tòa nhà đang cháy sau khi đã ra ngoài, nên họ đã yêu cầu các nhân viên của Lầu Năm Góc phải ở bên ngoài. Tranh cãi trở nên gay gắt và một số sĩ quan cấp tướng phải lập tức can thiệp.
"Mọi người bên ngoài thấy thật khó chấp nhận. Chúng tôi biết đồng đội của chúng tôi đang ở trong tòa nhà bị cháy kia và từng cam kết không bao giờ bỏ lại bất kỳ người nào", anh nói. Nhưng Anderson cũng thông cảm cho với quan điểm của các nhân viên cứu hỏa.
"Không lâu sau đó, một góc của Lầu Năm Góc đã bị đổ sụp. Nếu còn ở trong đó, tất cả chúng tôi sẽ chết", anh nói.
Hanna Born, 3 tuổi cùng em gái Heather đang ở nhà trẻ của Lầu Năm Góc hôm 11/9, khi bố của họ làm việc ở Alexandria và mẹ, trung tá Dana H. Born, đang làm việc tại Căn cứ quân sự Bolling phía bên kia sông Potomac ở thủ đô Washington. Bởi vì bố mẹ không thể lập tức tới đón hai chị em, Hanna và Heather đã may mắn được mọi người ở Lầu Năm Góc sơ tán và bảo vệ an toàn.
"Tôi cảm thấy rất biết ơn khi giữa thảm kịch như vậy, họ vẫn đến và đưa chúng tôi tới nơi an toàn", Hanna nói trong bài phát biểu lại lễ kỷ niệm sự kiện 11/9 năm 2019 với tư cách là học viên của Học viện Không quân. "Chính sự kiên cường và chuyên nghiệp của họ cùng rất nhiều người khác, những người cố gắng quay vào trong Lầu Năm Góc để giải cứu mọi người ngày hôm đó, đã truyền cảm hứng rất nhiều cho tôi".
Một người khác có mặt ở Lầu Năm Góc vào buổi sáng kinh hoàng đó là trung tá Patricia Horoho, y tá của Lục quân Mỹ. Không có gì ngoài bộ đồ sơ cứu cơ bản, cô đã thiết lập một khu cấp cứu bên ngoài tòa nhà để chăm sóc hàng chục người bị thương. Horoho sau này đã trở thành nữ tổng y sĩ đầu tiên của Lục quân Mỹ.
Dù phần lớn trong khoảng 22.000 người ở Lầu Năm Góc hôm đó đều sống sót sau vụ tấn công, nhiều người bị thương đã phải chịu nhiều vấn đề về sức khỏe lâu dài và bị chấn thương tâm lý nghiêm trọng. Braman đã mắc bệnh hen suyễn do hít quá nhiều khói, bụi khí amiăng và nhiên liệu máy bay trong khi giải cứu người khác. Quá trình giải cứu cũng khiến các vấn đề thoát bị đĩa đệm của Braman trở nên nghiêm trọng tới mức phải phẫu thuật.
Trung tá Marilyn Wills, khi đó là phó tham mưu trưởng Lục quân Mỹ, đã bị thương khi cố gắng bò ra khỏi tòa nhà bị cháy. Khi một người phụ nữ phía sau cô có vẻ không tiếp tục di chuyển được, Wills đã cõng người này trên lưng và tiếp tục bò ra ngoài. Sau đó, Wills bất tỉnh và được đưa tới bệnh viện cấp cứu vì bị bỏng và ngạt khói.
Gần 20 năm sau vụ tấn công, Lầu Năm Góc đã được xây dựng lại và vẫn là trụ sở của Bộ Quốc phòng Mỹ cho tới ngày nay. Một khu tưởng niệm đã được dựng lên phía ngoài tòa nhà để tưởng nhớ 59 người trên máy bay cùng 125 người của Lầu Năm Góc thiệt mạng ngày hôm đó.
Thanh Tâm (Theo History)