Chính phủ Mỹ vừa thông báo treo thưởng một triệu USD cho người cung cấp thông tin về con trai út của Osama bin Laden, kẻ được coi là "lãnh đạo mới nổi" của tổ chức khủng bố al-Qaeda, theo New York Post.
Hamza bin Laden, được coi là "thái tử khủng bố" và chuẩn bị cho vai trò này từ nhỏ. Theo CBC, Hamza sinh năm 1986 hoặc 1989, tầm 30 tới 33 tuổi, là con của Osama bin Laden với Khairiah, người vợ thứ năm và là một nhà tâm lý học trẻ em.
"Hamza sinh ra ngay khi al-Qaeda thành lập, vì thế cuộc đời anh ta gắn liền với sự hình thành của al-Qaeda và cuộc chiến mà tổ chức này phát động chống lại phương Tây và Mỹ", Thomas Joscelyn, chuyên gia của tổ chức nghiên cứu Quốc phòng Dân chủ có trụ sở tại thủ đô Washington, nói.
Hamza lớn lên trong một gia đình lớn, tuân thủ nghiêm ngặt Hồi giáo tại Jalalabad, miền đông Afghanistan. Gia đình có hơn 60 người, bao gồm nhiều thân thích của những tay khủng bố khác làm việc cho bin Laden.
Trong một cuộc phỏng vấn với New York Post năm 2017, Abdurahman Khadr, bạn thân thuở nhỏ của Hamza, cho biết những đứa trẻ trong căn cứ phải học thuộc kinh Koran tại nhà thờ Hồi giáo, trong lúc bố chúng lên kế hoạch tấn công khủng bố, có lẽ bao gồm cả kế hoạch khủng bố vào nước Mỹ ngày 11/9/2001.
Tính cách Hamza có một chút nổi loạn. Anh ta thích uống côca, thích ăn cay, thường xuyên thêm món tương ớt Tabasco vào món ăn của mình, đây là hai món đồ phương Tây bị cấm.
"Hamza luôn cố lén lút xài những thứ mà chúng tôi bị cấm", Khadr nói.
"Con cưng" của bin Laden khoảng 12 tuổi vào thời điểm diễn ra vụ khủng bố 11/9/2001. Hiện chưa rõ Hamza có ở cùng bố vào thời điểm máy bay lao vào Tháp Đôi, Lầu Năm Góc và một cánh đồng ở Shanksville hay không.
Nhưng hai tháng sau, Hamza xuất hiện trong một video tuyên truyền của al-Qaeda. Cậu ta quấn khăn turban trên đầu, mặc trang phục truyền thống của Afghanistan, cùng ba anh em trai nhặt mảnh vỡ của một trực thăng Mỹ bị bắn hạ, miệng cười toe toét. Cậu ta tự hào đọc một bài thơ bằng tiếng Arab, ca ngợi thủ lĩnh Taliban lúc bấy giờ là Mullah Mohammad Omar.
Sau vụ khủng bố, Osama bin Laden lo lắng con trai gặp nguy hiểm và muốn gửi Hamza ra nước ngoài học. Tuy nhiên, Hamza cầu xin bố cho ở lại chiến đấu và thậm chí còn được tới Pakistan huấn luyện khủng bố.
Hamza gặp lại bố ở Pakistan, sau khi Mỹ dẫn đầu cuộc chiến tấn công Afghanistan. Năm 2008, một trang web Hồi giáo cực đoan xuất bản một bài thơ do Hamza sáng tác.
"Đẩy nhanh hủy diệt Mỹ, Anh, Pháp và Đan Mạch", trích bài thơ. Từ đây, Hamza có biệt danh "thái tử khủng bố". Hamza được cho là sống cùng bố và mẹ tại căn cứ bí mật ở Abbottabad, Pakistan năm 2011, khi đội đặc nhiệm SEAL của Mỹ thực hiện chiến dịch đột kích ban đêm, tiêu diệt trùm khủng bố Osama bin Laden. Khaled, con trai cả của bin Laden, cũng chết trong trận này.
Nhưng không ai tìm thấy Hamza. Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, những lá thư tịch thu được trong trận đột kích cho thấy trùm khủng bố đang dọn đường cho con trai thay thế ông ta làm thủ lĩnh.
Trong thông điệp đầu tiên phát hành trên trang web của al-Qaeda năm 2015, Hamza kêu gọi những người ủng hộ tổ chức thực hiện tấn công ở Washington, London, Paris và Tel Aviv.
"Nếu các người cho rằng tội ác mà các người gây ra ở Abbottabad sẽ không bị trừng phạt thì các người đã sai rồi", Hamza nói.
Hamza thề sẽ trả thù cho bố và chính quyền Mỹ lo ngại vào thời điểm mà tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đang chết dần ở Syria, đây là thời điểm hoàn hảo cho al-Qaeda hồi sinh dưới sự lãnh đạo của Hamza.
Arab Saudi hôm 1/3 tuyên bố tước quyền công dân của Hamza vào tháng 11/2018. Osama bin Laden sinh ra tại Riyadh, thủ đô của Arab Saudi. Những người vợ và con cái còn sống của bin Laden vẫn đang ở đó.
Tuy nhiên, các nhà chức trách Mỹ vẫn chưa rõ tung tích của Hamza cùng vợ và ba đứa con. Hamza được cho là kết hôn năm 2009 ở Iran với con gái của Mohammed Atta, kẻ từng bắt cóc một trong 4 máy bay thương mại trong vụ tấn công năm 2001 và lao nó vào Trung tâm Thương mại Thế giới ở New York.
Một số báo cáo cho rằng họ vẫn đang sống ở Iran, được các quan chức tình báo và quân đội Iran bảo vệ, trong khi một số khác cho rằng anh ta đang ở Nam Trung Á. Tuy nhiên, cuộc tìm kiếm Hamza như "mò kim trong đáy bể".
"Anh ta có thể ở bất kỳ đâu", một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ thừa nhận.