Ngày 10/4/2018, thi thể không đầu của người đàn ông được tìm thấy trong một bụi cây tại thành phố Ambernath, Ấn Độ. Cách đó 500 m là hộp sọ của nạn nhân, nhưng khuôn mặt bị biến dạng không thể nhận ra.
Trên thi thể không đi kèm giấy tờ hoặc dấu vết đặc trưng nên việc xác minh danh tính nạn nhân gặp khó khăn. Sau 6 tháng, cuộc điều tra vẫn không có kết quả vì nạn nhân không có ngoại hình trùng khớp với những người bị báo mất tích quanh khu vực. Để ngăn vụ án đi vào ngõ cụt, điều tra viên nhờ tới sự trợ giúp của chuyên gia phục dựng khuôn mặt từ hộp sọ.
Một tháng trôi qua, cảnh sát có trong tay bức tượng mô phỏng phần đầu của nạn nhân làm từ vữa thạch cao. Sau khi ảnh chụp được công khai rộng rãi, cảnh sát được một người dân địa phương cho biết khuôn mặt trong ảnh hao hao giống Bindresh Prajapati, 33 tuổi, tài xế xe tải mất tích từ tháng 4/2018 nhưng người vợ không đi trình báo.
Khi bị thẩm vấn, người vợ tên Savitri thừa nhận đã ngoại tình với người đàn ông hàng xóm. Khi chồng nghi ngờ, chị ta liền cùng nhân tình lập mưu giết hại. Ngày 8/4/2018, gã nhân tình cùng bạn rủ nạn nhân uống rượu tới say rồi chặt đầu, hủy hoại gương mặt để cảnh sát không thể nhận dạng. Cả ba nghi phạm lập tức bị bắt giữ vì tội Giết người.
Đây không phải lần đầu tiên kỹ thuật phục dựng khuôn mặt được sử dụng thành công trong giải quyết án mạng. Kỹ thuật này thuộc bộ môn nhân chủng học pháp y, có tác dụng phục dựng khuôn mặt để trợ giúp xác minh danh tính của hài cốt vô danh.
Dù hiện tại, kỹ thuật ADN hoặc hồ sơ nha khoa có thể cho tính chính xác và nhanh chóng hơn trong việc xác minh danh tính người chết, nhưng những biện pháp này vẫn cần có mẫu để đối chiếu. Trong những trường hợp như vụ án mạng của Bindresh Prajapati, kỹ thuật phục dựng khuôn mặt vẫn có thể phát huy công dụng nhất định.
Lần phục dựng khuôn mặt đầu tiên trên thế giới được ghi nhận là vào năm 1895, do nhà giải phẫu học người Đức Wilheim His thực hiện với khuôn mặt của nhà soạn nhạc Johann Bach. Từ đó tới nay, đã có nhiều cải tiến trong lĩnh vực phục dựng khuôn mặt, bao gồm cả việc tự động hóa quy trình bằng phần mềm máy tính.
Việc phục dựng khuôn mặt có nhiều phương pháp, bao gồm phục dựng dưới dạng 2D hoặc 3D. Trong phục dựng 3D cũng có nhiều phương pháp, nhưng cách làm thủ công hầu hết đều trải qua một số khâu cơ bản và đòi hỏi sự phối hợp của nghệ sĩ điêu khắc và chuyên gia nhân chủng học pháp y. Nguyên liệu được dùng ở đây bao gồm đất nặn, sáp, hoặc chất dẻo.
Đầu tiên, chuyên gia nhân chủng học pháp y phụ trách việc "đọc" thông tin của người chết như tuổi tác, giới tính, chủng tộc, thương tích trên mặt,... Từ hộp sọ, chuyên gia có thể xác định được giới tính, ví dụ nếu so với nữ giới, góc nghiêng hàm dưới của nam giới thường sẽ sắc cạnh hơn, hoặc phần trán nam giới cong hơn so với phụ nữ. Chuyên gia cũng lấy các số đo của những khu vực như lông mày, khoảng cách giữa hai hốc mắt, hình dạng khoang mũi,...
Khi khâu khám nghiệm kết thúc, hộp sọ được rửa sạch. Chuyên gia dùng sáp để bít lại khu vực bị thiệt hại trên sọ và gắn lại hàm dưới. Nhãn cầu cũng được cho vào hốc mắt. Xong xuôi, hộp sọ được đổ thạch cao để tạo khuôn.
Với thông tin từ chuyên gia nhân chủng học pháp y, nghệ sĩ điêu khắc cắm những cọc nhỏ lên 21 vị trí mấu chốt trên khuôn sọ bằng thạch cao để đánh dấu độ dày của phần mô trên mặt. Dữ liệu này được dựa trên nhiều nghiên cứu về đặc điểm giải phẫu học của nam giới và nữ giới thuộc nhiều nhóm người khác nhau.
Lúc này, nghệ sĩ điêu khắc bắt đầu gắn từng dải đất nặn lên trên khuôn sọ xung quanh các cọc. Độ dày của các dải đất nặn tương ứng với chiều cao của cọc. Sau khi phủ kín khuôn sọ, nghệ sĩ điêu khắc sẽ bổ sung hoặc gọt bớt chi tiết để làm cho khuôn mặt có hồn và chính xác với thông tin mà chuyên gia nhân chủng học pháp y thu thập được. Ví dụ, nghệ sĩ điêu khắc cần tạo thêm nếp nhăn nếu người chết lớn tuổi, hoặc tinh chỉnh nét mặt cho phù hợp với chủng tộc.
Sau khi hoàn thiện, khuôn mặt mới có thể được gắn thêm các kiểu tóc phù hợp với giới tính và được chụp ảnh. Thông thường, ảnh chụp thông thường sẽ được nhà chức trách công khai rộng rãi với hy vọng có người nhận ra nạn nhân.
Hạn chế lớn nhất của phương pháp phục dựng khuôn mặt pháp y có liên quan tới dữ liệu dùng để ước lượng độ dày mô. Hiện, dữ liệu trong tay các chuyên gia pháp y còn hạn chế về giới tính, tuổi tác, và thân hình nên sẽ ảnh hưởng tới độ chính xác khi phục dựng khuôn mặt.
Ngoài ra, do chỉ là quá trình tương đối, sản phẩm hoàn thiện sẽ chỉ ước lượng hình dạng thật sự của người chết vì hộp sọ không phản ánh được những chi tiết như phần mô mềm ở mắt, tóc, tai, hình dáng đôi môi, và mô mỡ bao phủ xương. Sản phẩm được tạo ra từ phương pháp phục dựng khuôn mặt thường khác nhau tùy vào tay nghề và con mắt chủ quan của người nghệ sĩ điêu khắc.
Vì những lý do trên, kết quả từ quá trình phục dựng khuôn mặt không được chấp nhận làm chứng cứ xác định danh tính hài cốt tại tòa án Mỹ. Phương pháp này chỉ được dùng phối hợp với các biện pháp được công nhận khác để hỗ trợ quá trình xác minh người chết. Dù thế nào đi nữa, khi mọi cách khác đã thất bại, nhà chức trách vẫn sẽ đặt hy vọng vào phương pháp phục dựng khuôn mặt để tìm manh mối.
Quốc Đạt (Theo India Express, FBI, NCBI)