Ngày 14/2/1929, một nhóm người mặc đồng phục cảnh sát nổ súng bắn hạ 7 thành viên một băng đảng mafia trong nhà kho tại thành phố Chicago (Mỹ). Do người chết thuộc nhóm đối thủ, ông trùm mafia Al Capone bị nghi ngờ đứng đằng sau vụ thảm sát. Tuy vậy, Al Capone phủ nhận mọi dính líu.
Sau khi tiếp nhận vụ án, chuyên gia pháp y Calvin Goddard dùng loại kính hiển vi có hai ống kính để có thể cùng lúc quan sát hai viên đạn. Bằng cách này, Goddard đối chiếu mọi khẩu súng trong đồn cảnh sát và loại trừ. Goddard tiếp tục so sánh và kết luận những viên đạn trên thi thể nạn nhân nhiều khả năng đã được bắn từ hai khẩu súng tìm thấy trong nhà đàn em của Al Capone.
Dù Goddard không chứng minh được sự tham gia của ông trùm, sự kiện này vẫn được coi là đã khai sinh ra lĩnh vực nhận dạng đạn đạo - một chuyên môn trong khoa học pháp y.
Tại sao Goddard nghĩ ra phương pháp nhận dạng đạn đạo như trên? Theo FBI, quá trình chế tạo súng, nhà sản xuất thường tạo những rãnh hình xoắn ốc bên trong của nòng súng. Khi súng bóp cò, những rãnh này sẽ khiến viên đạn xoay tròn trong lúc chuyển động dọc nòng súng và giúp ổn định quỹ đạo bay. Cũng trong quá trình này, các rãnh xoắn ốc sẽ để lại vết tích trên viên đạn. Dựa trên vết rãnh, chuyên gia có thể xác định được thương hiệu hoặc mẫu mã của khẩu súng đã bắn ra viên đạn.
Ngoài ra, vì máy móc sử dụng trong giai đoạn gia công và hoàn thiện luôn tồn tại khiếm khuyết chỉ có thể nhìn thấy dưới kính hiển vi, nòng súng sẽ luôn tồn tại các vết tích nhỏ đặc trưng tương ứng. Do quá trình hao mòn thông thường và tác động của thói quen người dùng, các vết tích trên sẽ ngày càng hiển hiện. Viên đạn từ đó cũng sẽ mang theo vết tích đặc trưng như vân tay của khẩu súng, bên cạnh dấu vết từ rãnh xoắn ốc.
Với căn cứ trên, các chuyên gia đạn đạo pháp y cho rằng có thể đối chiếu các vết tích trên bề mặt hai viên đạn dưới kính hiển vi để xác định liệu chúng có được bắn ra từ cùng một khẩu súng hay không. Phương pháp này không chỉ được áp dụng với bản thân viên đạn mà còn có thể áp dụng với phần vỏ đạn vì trên bề mặt này cũng sẽ mang vết tích đặc trưng của khẩu súng, như vết tích để lại khi đáy vỏ đạn bị kim hỏa mổ vào hạt nổ.
Lý thuyết là vậy, nhưng việc đối chiếu cụ thể được thực hiện như thế nào? Vì lý do bảo quản vật chứng, chuyên gia pháp y dĩ nhiên không thể bổ đôi nòng súng để so sánh rãnh xoắn với viên đạn đã có. Họ thường sẽ phải bắn thử khẩu súng khả nghi và lấy mẫu vật từ lần bắn thử để đối chiếu với viên đạn tại hiện trường.
Nếu là súng ngắn, chuyên gia pháp y sẽ bắn thử vào thùng chuyên dụng chứa lượng lớn nước. Khi được bắn vào nước, viên đạn sẽ giảm đáng kể tốc độ mà không bị thiệt hại hoặc méo mó, trong khi vẫn giữ được nguyên vẹn các vết tích trên bề mặt. Bằng cách này, chuyên gia pháp y sẽ thu được mẫu vật lý tưởng để đối chiếu dưới kính hiển vi.
Nếu là súng tự động, súng dùng cỡ đạn lớn, hoặc súng hoa cải, chuyên gia không thể dùng thùng nước mà phải bắn thử khẩu súng khả nghi tại các trường bắn chuyên dụng để thu được mẫu vật đối chiếu.
Sau khi đặt hai mẫu vật cần so sánh lên trên trục xoay, chuyên gia đầu tiên sẽ tìm đặc điểm nổi bật trên một viên đạn và tìm vết tích tương tự trên viên còn lại. Nếu phần rãnh xoắn ở cả hai trùng khớp, chuyên gia sẽ kiểm tra xem các vết tích nhỏ còn lại có giống nhau không. Sau đó, cả hai viên đạn được xoay cùng lúc để tìm kiếm các dấu vết trùng hợp. Công nghệ nhiếp ảnh tích hợp trong ống kính hiển vi cho phép chuyên gia pháp y chụp lại hoặc ghi hình quá trình đối chiếu.
Khi việc đối chiếu kết thúc, chuyên gia sẽ đưa ra ba kết luận: xác nhận, loại bỏ, hoặc không thể kết luận. "Xác nhận" nghĩa là có sự trùng khớp giữa hai viên đạn hoặc giữa viên đạn với khẩu súng. "Loại bỏ" cho thấy vật chứng tại hiện trường không có liên hệ với mẫu thử. Trong trường hợp "không thể kết luận", chuyên gia không thể xác nhận hoặc loại bỏ mối liên hệ giữa hai vật được đối chiếu dựa trên số lượng và chất lượng của các vết tích dưới kính hiển vi.
Theo NIST, tới nay, các chuyên gia đạn đạo pháp y về cơ bản vẫn dùng phương pháp đối chiếu song song như trên, nhưng phương pháp này vẫn còn hạn chế vì họ không thể dùng số liệu cụ thể để làm căn cứ cho nhận định của mình, không giống như chuyên gia ADN. Các nhà khoa học pháp y đã thực hiện nhiều nghiên cứu kiểm chứng độ chính xác của phương pháp phân tích dấu vết đạn để khắc phục hạn chế này.
Ví dụ, trong nghiên cứu vào năm 2014 do Viện Tư pháp Quốc gia (Mỹ) tài trợ kinh phí, người thực hiện nghiên cứu yêu cầu 165 chuyên gia trong và ngoài nước nhận dạng khẩu súng nào trong 10 khẩu thuộc cùng lô sản xuất đã bắn ra các viên đạn cho sẵn. Để đảm bảo khách quan, những chuyên gia này được cho biết viên đạn cho sẵn chưa chắc đã xuất phát từ 10 khẩu súng trên. Kết quả cho thấy tỉ lệ nhận dạng đúng là 98,8%.
Nhận ra lợi ích của phương pháp nhận dạng đạn đạo, các quốc gia như Anh và Mỹ hiện đã lập ra cơ sở dữ liệu quốc gia lưu trữ hình ảnh chất lượng cao của vỏ đạn và viên đạn tại hiện trường để giúp truy dấu tội phạm được thực hiện dùng cùng một khẩu súng và liên kết các vụ án với nhau. Việc ứng dụng công nghệ máy tính có thể giúp lọc và tìm kiếm hình ảnh trùng khớp trong số hàng triệu bức ảnh trong vài phút.
Ví dụ, phương pháp nhận dạng đạn đã có công lớn trong trường hợp của Cleophus Cooksey Jr., kẻ bị bắt tại thành phố Phoenix, bang Arizona (Mỹ) vào tháng 12/2017 do bị tình nghi bắn chết hai người. Nhờ vào cơ sở dữ liệu vỏ đạn quốc gia có tên NIBIN, cảnh sát đã có thể "kết nối" Cooksey với 7 vụ án mạng khác. Từ đây, nhà chức trách đã bắt được kẻ giết người hàng loạt, dù ban đầu họ không nhận dấu hiệu nào đáng ngờ.
Quốc Đạt (Theo NIST, New York Times, FBI)