"Lý do lớn nhất cho tình trạng kỹ sư công nghệ khó xin việc sau 35 tuổi là Việt Nam chủ yếu gia công phần mềm, không có ngành công nghiệp phần mềm chuyên dụng, chuyên sâu, cần R&D mạnh. Thế nên, các công ty IT không cần người có nhiều kinh nghiệm lâu năm. Họ chỉ cần sinh viên mới ra trường 2-10 năm, vì vừa trẻ, vừa khỏe, vừa rẻ để 'cày'".
Đó là quan điểm của độc giả Đô Nguyễn về "'Lời nguyền tuổi 35' của kỹ sư IT". Thực tế, phần lớn lập trình viên rất lo lắng về nguy cơ bị sa thải hoặc không tìm được việc làm mới khi bước sang tuổi 35 - độ tuổi nhiều chuyên gia gọi là bước vào giai đoạn trung niên. Khi lĩnh vực công nghệ ngày càng bị đe dọa bởi AI và cắt giảm nhân sự để tăng tính hiệu quả, lao động lớn tuổi được cho là đặc biệt dễ bị tổn thương.
Cùng chung suy nghĩ, bạn đọc Phuocly cho rằng: "Mấu chốt của vấn đề là nhiều công ty gia công phần mềm tại Việt Nam không cần những người có thâm niên, kinh nghiệm hay cấp quản lý. Có thể vì nhiều lý do liên quan đến tính chất công việc và chi phí mà có sự đào thải liên tục. Kỹ sư IT tại Việt Nam hiện nay không khác thợ máy thuần túy. Thế nên, khi bước vào độ tuổi 35, sức khỏe giảm sút, họ dễ dàng bị đào thải".
>> 'Giỏi hơn 4 đồng nghiệp nên không lo mất việc vì AI'
Chỉ ra bản chất của công việc IT ở Việt Nam, độc giả Cần kiệm liêm chính nhấn mạnh: "Trong chuỗi công nghiệp phần mềm, hiện Việt Nam thực tế vẫn chỉ chủ yếu đang làm ở khâu gia công, giá trị thấp, nên chỉ cần nhân công dạng 'công nhân lập trình' là đủ. Do vậy, không có nhiều lý do để các công ty tuyển người có nhiều năm kinh nghiệm. Thậm chí, nhóm này vẫn có mức độ tư duy chỉ dừng lại ở việc biết nhiều ngôn ngữ lập trình, công nghệ, giỏi ở việc 'chỉ gì làm đấy', chứ tư duy thuật toán, tư duy khoa học, tư duy quản lý, hoạch định kế hoạch... có khi không bằng được các bạn mới làm hai, ba năm nhưng được đào tạo chuẩn, có lộ trình làm việc, chiến lược học tập nâng cấp bản thân tốt".
Nêu kinh nghiệm của bản thân để tồn tại trong ngành IT, bạn đọc Tuantuminhhoang bình luận: "Tôi có thâm niên trên 30 năm làm IT và thu nhập hiện tại gấp hơn ba lần các bạn đồng nghiệp cùng ngành. Tôi ở cấp quản lý chứ không phải cùng ngồi một bàn và cùng 'coding' như các bạn. Làm quản lý đương nhiên áp lực hơn nhiều chứ đâu như 'lính tráng' hết việc là về.
Bất kể nghề nào cũng có nguy cơ bị đào thải khi bước vào độ tuổi trung niên. Vấn đề còn lại của bản thân mỗi người là làm sao để không ai thay thế được vị trí của mình mới là quan trọng. Muốn được vậy thì bạn phải không được có tâm lý ỷ lại. Tức là bạn không được chỉ dừng chân ở mức độ lao động phổ thông - lập trình viên. Nếu không, bạn cũng nên làm quen trước tâm lý sẽ bị thay thế bất cứ lúc nào, vì ai chẳng làm được việc đó khi học đúng chuyên ngành".
- Lầm tưởng 'học giỏi Toán là làm được IT'
- Đổ lỗi AI làm IT mất việc
- 'Nhiều IT mất việc vì chạy theo ảo vọng blockchain, NFT'
- Kỹ sư IT mới ra trường phải có kinh nghiệm - 'đòi hỏi tuyển dụng vô lý'
- Ngộ nhận 'làm IT nhàn hạ, lương cao'
- Kỹ sư IT làm việc 'bán mạng' mới có lương hàng chục triệu