Có người hỏi vì sao "kỹ sư Việt không tạo ra cái gì"? Kỹ sư làm việc trong nhà máy. Một nhà máy không chỉ có một kỹ sư. Khi cải tiến cái gì, nhiều kỹ sư cùng nghiên cứu một lúc, mỗi người nghiên cứu một phần nhỏ tạo ra sự cải tiến lớn. Chẳng lẽ họ phải kể cái công lao nghiên cứu cải tiến ở phần nhỏ ấy?
Hãy xem các tập đoàn lớn của nước ngoài tạo ra TV, máy tính, điện thoại, hết phiên bản nọ đến phiên bản kia rồi có cá nhân nào kể công không? Công sức là của tập thể, một mình anh kỹ sư đơn lẻ có công bao nhiêu mà kể?
Một ông nông dân mày mò vật lộn với vô số linh kiện cũ nát, chế ra một thứ gì đó nhưng giá trị thật sự không cao. Sản phẩm lộn xộn do anh nông dân tạo ra chạy tốt, vận hành tốt, đúng không? Về mặt tính năng thì không có gì để nói nhưng về mặt hiệu suất thì sao? Bữa nay hư cái này, ngày mai hỏng cái kia. Đang chạy giữa chừng thì lỗi vì một linh kiện nào đó quá cũ ngừng hoạt động.
Anh nông dân có thừa thời gian để sửa cái máy do anh ta "chế" ra. Nhưng nếu cái máy ấy bán cho người khác, họ không rành kỹ thuật thì sao? Bạn cứ tưởng tượng một cái xe hơi cũ nát đã chạy 20 năm thì giá trị của nó so với cái xe cùng loại mới bóc tem sẽ thế nào?
>> 'Sáng chế' của nông dân - nỗi oan cho giáo sư, tiến sĩ Việt
Anh có thể cải tiến nhưng sản phẩm đó mình anh xài và dùng đại trà là hai chuyện khác nhau. Anh nông dân cũng chẳng sáng chế ra cái gì. Linh kiện là do người khác sáng chế ra. Anh ta chỉ "mượn" linh kiện cũ ấy lắp thành cái máy có tính năng mà anh ta muốn. Chẳng có phát minh nào là mới hoàn toàn chưa ai có hết. Phát minh nào cũng phải dựa trên nguyên lý đã biết. Còn tìm ra cái nguyên lý ấy là khoa học cơ bản.
Tại sao lại nói tìm ra mà không phải là phát minh ra? Vì nguyên lý là cái có sẵn trong tự nhiên, anh tìm ra nó dựa trên sự nghiên cứu mối tương quan giữa các sự vật hiện tượng chứ anh không tạo ra cái nguyên lý ấy.
Ví dụ, quỹ đạo của vật thể bay xung quanh Trái Đất là dựa vào nguyên lý lực hấp dẫn. Dựa vào khối lượng của vật thể người ta tính toán tìm được quỹ đạo của nó. Nếu tính sai, đặt nó xa hơn thì nó sẽ bay luôn vào vũ trụ, gần hơn thì nó rơi trở lại mặt đất. Và, cái ông tìm ra nguyên lý ấy chả có liên quan gì cái ông phát minh ra vệ tinh hay tên lửa đẩy nhé, đừng có vơ vào cái gì "hàng nghìn người".
Những kỹ sư, họ đóng góp thầm lặng vào những sản phẩm đại trà, phục vụ nhu cầu của hàng nghìn, hàng triệu người. Công sức của họ được gắn vào tập thể nên không ai biết đến. Còn nông dân sáng chế ra sản phẩm, chỉ họ dùng được và cải tiến được, thì lại được khen ngợi. Nếu lấy những sáng chế của nông dân để hạ thấp kỹ sư Việt thì thật sai lầm.
Lâm
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.