Để đi địa hình cát, tài xế cần sử dụng xe hai cầu chủ động (4WD, 4x4) hoặc tối thiểu là dẫn động bốn bánh toàn thời gian (AWD). Trước khi đưa xe qua những cung đường khó đặc biệt là cát và đá dăm cần kiểm tra kỹ lốp, đây là bộ phận có tính quyết định khi đưa xe các khu vực đường khó. Đối với nhiều thị trường việc lựa chọn lốp cho từng điều kiện mặt đường và thời tiết là một điều rất quan trọng.
Khi đi đường cát nên chọn lốp có rãnh lớn, gai lốp dày và hạ áp suất lốp xuống mức 1,8-2,1 kg/cm2 tùy thuộc vào thực tế để tăng diện tích tiếp xúc với bề mặt. Bởi khi di chuyển qua những khu vực đường cát, lốp quá căng sẽ khiến xe dễ lún cát. Không nên chở quá nặng, hạn chế những đồ dùng không cần thiết trên xe và các chi tiết bên ngoài có thể làm cản gió.
Yếu tố về xe và lốp được đảm bảo thì kỹ năng lái là một điều các tài xế cần nằm lòng. Nên khảo sát trước địa hình cần di chuyển xem độ dày của lớp cát, độ mịn, và quãng đường cần di chuyển. Các mẫu xe vượt địa hình chủ động thường có bốn chế độ di chuyển địa hình là đường trường, cát, tuyết, sỏi đá. Khi di chuyển vào cung đường này nên chọn vào chế độ cát (snow) hoặc tuyết nếu cát có độ trượt.
Bắt đầu vận hành, nên di chuyển vào các vị trí đã có vết bánh xe trước, trừ các vệt bánh đã bị đào quá sâu hoặc di chuyển ở vị trí nền cát cứng. Đạp ga nên duy trì ở dải tốc độ 40-60 km/h, hạn chế phanh và dừng ở vị trí cát mềm. Vòng tua máy nên duy trì trong ngưỡng 2.000-4.000 vòng/phút. Duy trì số thấp từ 1-3 để tạo mô-men lớn và đà tốt hơn.
Không nên đánh lái quá nhiều, bởi ở các địa hình này dễ mất lái hoặc trượt xe, việc đánh lái nhiều cũng khiến xe bị lún. Nên tận dụng các hệ thống off-road có sẵn trên xe như hỗ trợ đi địa hình, quét mặt đường hoặc hỗ trợ đổ dốc. Nếu trong trường hợp bị lún cát không nên cố đạp ga hay đánh lái để tránh xe bị lún sâu hơn. Sử dụng các dụng cụ nên mang theo như xẻng, tời, bơm di động, móc cứu hộ để đưa xe ra vị trí bị lún.
Một kinh nghiệm khác khi di chuyển trong địa hình cát với quãng đường dài nên đi theo toàn từ hai chiếc để có thể giải cứu khi một xe gặp sự cố. Xác định rõ đường đi thông qua la bàn hoặc định vị bởi cát hay sa mạc sẽ rất khó xác định lộ trình.
Trong khi di chuyển không nên hạ cửa sổ, giữ khoảng cách xa với xe phía trước đặc biệt đường đá dăm bởi đá từ xe trên có thể bắn vào gây vỡ kính. Đối với đường đá dăm nên tránh đá hộc, di chuyển ở tốc độ vừa phải từ 30-50 km/h và chọn chế độ đi sỏi (Rock).
Yếu tố cuối đó là độ khó địa hình, nếu địa hình nhiều dốc và gấp khúc gần di chuyển với tốc độ phù hợp, kiểm soát tốt chiếc xe, hạn chế đánh lái nhiều và phanh gấp. Nên duy chỉ tốc độ và vòng tua ổn định kiểm soát tốt tầm nhìn.
Đoàn Dũng