Thị trường nhà đất nóng lạnh thất thường, bị ràng buộc cơ chế hành chính về khung giá đã duyệt, lại phải chạy đua cạnh tranh với các chủ đầu tư khác... theo lãnh đạo Công ty xây dựng thương mại Sài Gòn 5, là trở ngại khiến việc đền bù chung cư 192 Nam Kỳ Khởi Nghĩa trì trệ đến ngày nay.
Quyền Giám đốc Công ty xây dựng thương mại Sài Gòn 5 (Sài Gòn 5) Đặng Anh Tú phân tích, chính những khó khăn chung của nền kinh tế và thị trường bất động sản đã ảnh hưởng tiêu cực đến việc đền bù chung cư 192 Nam Kỳ Khởi Nghĩa. Từ năm 2003, việc bồi thường giải phóng mặt bằng bắt đầu chững lại và liên tục gặp khó khăn.
Cuối năm 2007, thị trường địa ốc sốt cao, giá bất động sản liên tục leo thang, hàng trăm người xếp hàng mua căn hộ, nhiều nhà đầu tư có vốn ngoài ngân sách, điển hình là Công ty Phú Hưng Gia đã phát tờ rơi chào mua căn hộ 192 Nam Kỳ Khởi Nghĩa với giá ngất ngưởng, cạnh tranh với Sài Gòn 5.
Ban đầu được thành phố duyệt giá đền bù 12,5-33,2 triệu đồng mỗi m2, Sài Gòn 5 sẵn sàng hỗ trợ thêm 30% chi phí để các hộ dân di dời. Song, Phú Hưng Gia thông báo sẽ mua đứt chung cư 192 Nam Kỳ Khởi Nghĩa với giá 85 triệu đồng một m2, tức chênh lệch hàng chục triệu đồng mỗi m2 so với giá được duyệt.
Không chỉ có Phú Hưng Gia, trước đó, một chủ đầu tư khác là Công ty TNHH sản xuất du lịch Thịnh Hưng cũng thỏa thuận với các hộ dân mức đền bù 38 triệu đồng một m2.
Trước áp lực cạnh tranh về giá và yêu cầu đòi thay chủ đầu tư của 30 hộ dân, Sài Gòn 5 đã lập biên bản tự thỏa thuận giá đền bù bằng với kỷ lục do Phú Hưng Gia đề ra, tức 85 triệu đồng một m2.
Thế nhưng, ngay khi Sài Gòn 5 chuẩn bị giao tiền cho người dân thì UBND TP HCM yêu cầu tạm dừng việc đền bù. Lý do, thành phố cho rằng, việc Sài Gòn 5 đơn phương thỏa thuận giá đền bù vượt khung giá đã duyệt là sai quy định. Quan điểm của thành phố, việc áp giá bồi thường phải tuân thủ chính sách chung của nhà nước quy định.
![]() |
Mặt tiền chung cư Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường 6, quận 3, TP HCM. Ảnh: Kiên Cường. |
Mãi đến tháng 5/2008, UBND thành phố mới có công văn cho phép tiếp tục thực hiện theo phương án bồi thường trọn gói 85 triệu đồng một m2. Song, trong vòng 6 tháng bị dừng phương án đền bù, thị trường địa ốc từ chỗ đang nóng sốt đã chuyển thành nguội lạnh, tín dụng bị siết chặt, nhà đầu tư rút lui. Sài Gòn 5 vì vậy cũng lâm vào tình thế khó khăn bởi không tìm được đối tác liên kết.
Theo ông Tú, cái khó của cơ chế hành chính bắt nguồn từ việc Sài Gòn 5 là công ty nhà nước, các khoản chi đều phải được sự đồng thuận của thành phố, những khoản tiền phát sinh do yêu cầu nâng giá đền bù của người dân không thể tự ý bù đắp bằng vốn của công ty.
Thậm chí lãnh đạo Công ty Sài Gòn 5 còn cho rằng, chung cư 192 là nhà thuộc diện sở hữu nhà nước, chưa hóa giá, dự án được thành phố chỉ định chủ đầu tư và bồi thường giải phóng mặt bằng, các doanh nghiệp tư nhân "xen" vào phá giá là trái với quy định.
Chung cư 192 Nam Kỳ Khởi Nghĩa từng được liệt vào danh sách các khu tập thể xuống cấp tại quận 3 cần được cải tạo và kêu gọi đầu tư.
Trong năm 2007, không ít doanh nghiệp có tiềm lực tài chính đã tiến hành rất nhiều vụ thương lượng mua lại các chung cư xuống cấp trên địa bàn này. Đơn cử là vụ đền bù chung cư 53 Bà Huyện Thanh Quan, quận 3 với giá 12 tỷ đồng một căn hộ cũ, tạo kỷ lục đền bù nhanh nhất từ trước tới nay.
Quan điểm của các hộ dân chung cư 192 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, ai đền bù nhanh và được giá họ sẽ ủng hộ chủ đầu tư đó. Thậm chí mọi người kiên quyết không tạm cư hay tái định cư, chỉ cần "tiền trao cháo múc" là dọn đi ngay, bất kể đơn vị nào.
Tại nhiều cuộc họp với ban bồi thường giải phóng mặt bằng quận 3, dân chung cư nát than phiền rằng, cơ quan chủ quản tòa nhà là Công ty xây dựng thương mại Sài Gòn 5, trực thuộc quận 5 quản lý. Song tòa nhà lại nằm trên địa bàn quận 3, về mặt hành chính quận 3 chịu trách nhiệm. Vì thế mới phát sinh rườm rà gần 20 năm qua.
"Chưa bao giờ tòa nhà thực sự có được sự hỗ trợ nhất quán của một cơ quan chức năng nào. Chỉ có người dân chịu thiệt thòi bao nhiêu năm nay", một hộ dân bức xúc nói.
Chính quyền quận 3 bao gồm: quận ủy, UBND quận, UBND phường đã có hàng chục công văn, kiến nghị, đề nghị, giải trình... lên các cấp cao hơn của thành phố để giải quyết dứt điểm. Song, tất cả giải pháp hành chính không thể giải tỏa được những vướng mắc của cơ chế thị trường, vì đền bù thỏa đáng dân mới chịu đi.
Phó chủ tịch thường trực UBND TP HCM Nguyễn Thành Tài từng chỉ đạo chủ đầu tư phải đền bù và di dời dân trong 3 tuần, tính từ ngày 8/8. Theo đó, dù lời hay lỗ, khung giá sàn 85 triệu đồng mỗi m2 sẽ được tuân thủ đúng như thỏa thuận.
Chủ đầu tư cũng hứa sẽ dốc toàn lực thực hiện nhiệm vụ do thành phố giao. Tuy nhiên, người dân đã ngậm bồ hòn gần 20 năm cho rằng, giải quyết dứt điểm trong 3 tuần là chuyện không tưởng.
Chung cư 192 Nam Kỳ Khởi Nghĩa tọa lạc tại phường 6, quận 3, TP HCM, có vị trí đắc địa vì mặt tiền rộng, lại nằm trên tuyến đường lớn. Diện tích các căn hộ rất nhỏ, trung bình khoảng 60 m2. Tòa nhà được Công ty kiểm định xây dựng Sài Gòn khuyến cáo đang xuống cấp nặng, có thể sập bất cứ lúc nào. Cụ thể, 86,6% mặt sàn có độ võng lớn, cột, dầm có thể bị phá gãy nhanh, xi măng cũng rớt ra ở nhiều nơi. Hiện còn 30 trên tổng số 60 hộ dân chưa di dời xong, chưa tính 24 hộ lấn chiếm tự phát trong tòa nhà này. |
Vũ Lê