Một, thực hiện chuyển giao giữa 2 nhiệm kỳ Quốc hội, bảo đảm sự kế thừa, đổi mới, ổn định và phát triển. Phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, đã chỉ ra nhiều định hướng lớn và những nhiệm vụ quan trọng để Quốc hội khóa XV tiếp tục đổi mới, hoàn thiện, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động.
Hai, cuộc bầu cử lịch sử, diễn ra trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát lần thứ 4, nhưng đã được tổ chức thành công tốt đẹp. Đây là cuộc bầu cử có số lượng cử tri lớn nhất từ trước đến nay, với gần 70 triệu lá phiếu cử tri được bỏ tại 84.767 khu vực bỏ phiếu, tỷ lệ cử tri đi bầu đạt 99,6%, bầu được 499 đại biểu Quốc hội, cơ bản bầu đủ đại biểu HĐND các cấp.
Ba, tích cực thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, chủ động và kịp thời ban hành Chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội với 107 nội dung, đề án cụ thể nhằm triển khai Nghị quyết. Các đề án thuộc lĩnh vực lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, đối ngoại và đổi mới phương thức hoạt động trong 5 năm tới của Quốc hội.
Bốn, lần đầu tiên, Bộ Chính trị có Kết luận về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật cho cả nhiệm kỳ Quốc hội, là cơ sở quan trọng để Quốc hội, các cơ quan chủ động, tích cực triển khai từ sớm, phối hợp chặt chẽ bảo đảm tiến độ, chất lượng trong công tác lập pháp.
Năm, trong điều kiện dịch bệnh, Quốc hội đã đổi mới phương thức hoạt động, tổ chức thành công kỳ họp thứ nhất và thứ hai của Quốc hội khóa XV, tạo khởi đầu tốt đẹp cho cả nhiệm kỳ 5 năm. Cụ thể, Quốc hội chủ động ban hành Nghị quyết số 30 - một sáng kiến lập pháp độc đáo, chưa có tiền lệ, trao quyền đặc thù, đặc cách, đặc biệt cho Chính phủ, Thủ tướng để nâng cao hiệu quả phòng, chống Covid-19 với tinh thần đặt sức khỏe, tính mạng của người dân lên trên hết, trước hết.
Quốc hội cũng tổ chức kỳ họp kết hợp giữa họp trực tuyến và họp tập trung, chủ động rút ngắn so với các kỳ họp cuối năm của Quốc hội những khóa gần đây, nhưng vẫn bảo đảm chất lượng, hiệu quả, đúng quy định. Lần đầu tiên Quốc hội thử nghiệm biểu quyết điện tử; cải tiến công tác thư ký tổng hợp thảo luận tại tổ để có ngay các báo cáo tổng hợp ý kiến của đại biểu..., góp phần xây dựng Quốc hội ngày càng dân chủ, công khai, minh bạch.
Sáu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức nhiều phiên họp bất thường và ban hành các nghị quyết quan trọng với một số nội dung mang tính lịch sử. Đó là Nghị quyết cho phép Chính phủ ban hành Nghị quyết có một số nội dung khác với quy định của luật để đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19; ban hành chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng dịch từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp; bổ sung dự phòng ngân sách trung ương từ nguồn cắt giảm, tiết kiệm chi của ngân sách trung ương năm 2021 để chi cho công tác phòng, chống dịch; cho phép thực hiện một số cơ chế, chính sách trong lĩnh vực y tế; quyết định tổ chức Kỳ họp bất thường lần thứ nhất.
Bảy, hội nghị toàn quốc triển khai công tác giám sát lần đầu tiên được tổ chức nhằm tạo sự thống nhất, chủ động trong việc triển khai thực hiện, qua đó, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả giám sát của Quốc hội.
Tám, ngoại giao nghị viện để lại nhiều dấu ấn nổi bật, phát huy tối đa lợi thế cũng như hiệu quả sức mạnh tổng hợp của dân tộc trong triển khai công tác đối ngoại, cùng hướng tới thúc đẩy tiến trình chủ động, tích cực hội nhập quốc tế.
Chín, bàn giao, tặng Nhà Quốc hội cho Quốc hội nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào.
Mười, "Diễn đàn kinh tế Việt Nam năm 2021: Phục hồi và phát triển bền vững" được tổ chức kịp thời, với chủ đề thiết thực, đáp ứng được yêu cầu thực tiễn và đề xuất các giải pháp quan trọng về phục hồi, phát triển kinh tế.