Vụ nổ lớn ở cảng Beirut, thủ đô Lebanon hôm 4/8 không chỉ khiến ít nhất 180 người thiệt mạng, hàng nghìn người bị thương, san bằng nhiều khu vực của thành phố, mà còn đánh sập kho chứa lương thực lớn duy nhất của quốc gia này.
Sóng xung kích từ vụ nổ 2.750 tấn amoni nitrat ở nhà kho nằm đối diện đã khiến các silo hình trụ chứa 120.000 tấn lương thực ở cảng Beirut, cảng nhập khẩu lương thực chính của Lebanon, sụp đổ, lúa mì tràn ra ngoài, chất thành đống lớn ở cảng.
Việc "siêu kho thóc" này bị phá hủy làm dấy lên lo ngại về khủng hoảng lương thực tại Lebanon, quốc gia đang lâm vào khủng hoảng tài chính nghiêm trọng. Người mua phải dựa vào các kho dự trữ nhỏ của tư nhân để mua bán lúa mì, mà không thể dựa vào nguồn dự trữ của nhà nước.
Abdulaal al-Qenaie, đại sứ Kuwait tại Lebanon, hôm 23/8 cho hay kho thóc ở Beirut được xây năm 1969 nhờ khoản cho vay của Kuwait. Để duy trì biểu tượng cho "mối quan hệ anh em giữa hai quốc gia tôn trọng lẫn nhau", Kuwait sẽ giúp Lebanon xây lại nhà kho.
Bộ Trưởng Kinh tế Lebanon Raoul Nehme đã trấn an người dân sẽ không xảy ra khủng hoảng bột mì hoặc bánh mì ở Lebanon, quốc gia đa phần nhập khẩu lúa mì hoàn toàn.
Kế hoạch xây dựng một kho chứa ngũ cốc khác tại Tripoli, cảng lớn thứ hai ở Lebanon, bị trì hoãn nhiều năm do thiếu kinh phí, một quan chức Liên Hợp Quốc, quan chức cảng và chuyên gia lương thực Lebanon cho biết hồi đầu tháng.
Viện trợ nhân đạo đang đổ vào Lebanon sau vụ nổ, nhưng các nhà tài trợ nước ngoài ra điều kiện nước này phải cải cách chính trị để giải quyết tình trạng tham nhũng và vô trách nhiệm.
Hồng Hạnh (Theo Reuters)