Tuần trước, Tổng cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc cho biết doanh số bán lẻ nước này tăng 0,5% trong tháng 8 so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là tháng đầu tiên chỉ số này tăng trong năm nay. Mức tăng chủ yếu nhờ lĩnh vực ôtô, với 11,8%.
Tuy nhiên, nếu trừ lĩnh vực này ra, doanh số bán lẻ hàng tiêu dùng lại giảm 0,6% trong tháng 8. Bên cạnh đó, doanh số bán hàng online tăng 13,3%, nhưng chậm hơn 18,8% tháng 7 và 19% tháng 6.
Đây là dấu hiệu nền kinh tế lớn nhì thế giới còn gặp nhiều thách thức khi thúc đẩy tiêu dùng nội địa. Chính phủ Trung Quốc muốn tiêu dùng trong nước là động lực tăng trưởng chính, thay vì xuất khẩu.
Đại dịch đã giúp mua sắm online tăng trưởng nhanh hơn năm nay, hiện đóng góp khoảng 25% doanh số bán lẻ mỗi quý trong hè này. Tuy nhiên, bất ổn về thu nhập và tăng trưởng kinh tế đang là rào cản lớn với lĩnh vực này.
"Thất nghiệp, thu nhập giảm và nợ tăng có thể tạo ra nhiều điểm yếu mới trong nhu cầu nội địa", Bruce Pang - Giám đốc Nghiên cứu Vĩ mô và Chiến lược tại China Renaissance cho biết. Ông dẫn các bình luận cách đây vài tuần của Chính phủ Trung Quốc, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thúc đẩy tiêu dùng trong quá trình hồi phục kinh tế của nước này.
"Dưới sức ép của thất nghiệp và tăng trưởng, đà phục hồi tiêu dùng trong quý IV sẽ là không đáng kể", Imogen Page-Jarrett - nhà phân tích tại EIU nhận xét. EIU dự báo thị trường việc làm tại Trung Quốc năm nay sẽ là tệ nhất kể từ thập niên 60. Doanh số bán lẻ cũng sẽ giảm 4,7%.
Một số điểm sáng trong lĩnh vực thương mại điện tử của Trung Quốc là các sản phẩm thiết yếu giá rẻ, như đồ dùng gia đình hay thực phẩm tươi. "So với trước đây, xu hướng chúng tôi nhận thấy là người tiêu dùng trẻ của Trung Quốc đang chi tiêu ngày càng thực tế và có trách nhiệm sau đại dịch", Jay Xiao - CEO LexinFintech cho biết.
LexinFintech điều hành Fenqile - một nền tảng mua sắm online cho trả góp. "Trên Fenqile, doanh số bán hàng giảm giá và sản phẩm chăm sóc y tế tăng mạnh hơn nhiều so với hàng xa xỉ hoặc hàng được người nổi tiếng sử dụng", Xiao nói.
Trong dài hạn, các công ty lớn tại Trung Quốc và doanh nghiệp quốc tế sẽ vẫn nhắm vào tầng lớp trung lưu tại đây. Tốc độ tăng trưởng nhanh chóng tại Trung Quốc hai thập kỷ qua đã tạo ra các đại gia thương mại điện tử như Alibaba hay JD.com. Khi thị trường mua sắm online tăng trưởng, nhiều cái tên mới cũng sẽ xuất hiện.
Nền tảng video ngắn và livestream Kuaishou tuần trước cho biết số đơn hàng trên nền tảng này đạt 500 triệu trong tháng 8, khẳng định họ chỉ xếp sau Taobao, Tmall của Alibaba và JD, Pinduoduo. Bên cạnh đó, ngày càng nhiều người sử dụng WeChat để mua sắm thông qua các chương trình trong ứng dụng này. Giá trị giao dịch hàng hóa trong 8 tháng đầu năm tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.
Douyin phiên bản tại Trung Quốc của TikTok cũng có tính năng cho đặt mua đồ trên nền tảng này. Tuy nhiên, họ từ chối chia sẻ dữ liệu tháng.
Sau một sự kiện khuyến khích mua sắm trong tháng 6, số liệu cho thấy người dùng JD, Taobao và Tmall giảm sút. Trong khi đó, người dùng WeChat lại gần như không đổi trong 3 tháng. Cổ phiếu JD tại New York năm nay đã tăng 113%, Pinduoduo tăng 111% và Alibaba tăng 29%.
"Những người bán hàng chỉ dựa hoàn toàn vào doanh số bán online sẽ có rủi ro cao phải rời khỏi thị trường, đặc biệt là những người bán đồ không thiết yếu", Page-Jarrett cho biết, "Kết hợp cả bán hàng trực tuyến và truyền thống, tập trung vào gây dựng khách hàng trung thành, sẽ là chiến lược bền vững hơn trong dài hạn".
Hà Thu (theo CNBC)