"Trong một năm qua, MoMo có lượng khách hàng tăng gấp đôi, từ 10 triệu lên 20 triệu; thêm vài chục nghìn đối tác thanh toán mới; và từ một đơn vị thuyết phục người khác hợp tác trở thành phía được săn đón", ông Nguyễn Bá Diệp, Đồng sáng lập, Phó chủ tịch MoMo cho biết tại hội thảo chuyển đổi số nền kinh tế tổ chức tại Đại học Kinh tế TP HCM sáng 24/11.
Ông Diệp cho biết, trước đây, nói đến chuyển đổi số hầu hết doanh nghiệp cũng ngại và người dân không rõ. Nhưng Covid-19 khiến kinh doanh truyền thống thuần túy dừng lại, trong khi ai có thể bán hàng số thì trở thành cứu cánh, thay đổi cuộc chơi.
Ông Tạ Xuân Thịnh, Giám đốc Khối ví điện tử tiêu dùng cá nhân SmartPay cũng nhìn nhận, đại dịch đã tạo ra những tác động tích cực lên chuyển đổi số. Đầu năm ngoái, khi ví này chào sân, họ chỉ có 500 khách hàng trong tháng đầu. Năm nay, mùa dịch làm giao dịch của các hộ tiểu thương, khách hàng chính của SmartPay giảm 20% vào quý I.
"Nhưng đến quý II, chúng tôi đã cán mốc hơn 40.000 điểm chấp nhận thanh toán và 2 triệu khách hàng. Đại dịch là chất xúc tác để bùng nổ", ông Thịnh nói.
Hay như ở Tiki, ông Ngô Hoàng Gia Khánh, Phó tổng giám đốc phát triển doanh nghiệp của công ty cho biết, chuyển đổi số với một doanh nghiệp thương mại điện tử là bắt buộc nhưng Covid-19 đẩy tiến trình nhanh hơn nhiều. Cả những đối tác bán hàng của sàn cũng vậy.
"Trước dịch, nhà bán hàng đầu tư cho thương mại điện tử khá chậm, với tốc độ tuyến tính đều đặn 2-3% mỗi năm. Nhưng sau dịch họ tăng tốc, lập đội ngũ riêng để kinh doanh online và sẵn sàng thay đổi về logistics để vận hành phù hợp", ông Khánh cho biết.
Theo báo cáo của Google, Temasek và Brain & Company, nền kinh tế Internet Việt Nam năm nay đạt quy mô 14 tỷ USD, tăng 16% so với 2019. Dự kiến vào năm 2025, nền kinh tế Internet Việt Nam có khả năng đạt giá trị 52 tỷ USD và tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm 29%, với đại dịch là yếu tố thúc đẩy.
Các chuyên gia cho rằng, về cơ bản, Việt Nam vẫn được đánh giá là thuận lợi cho quá trình chuyển đổi số với tỷ lệ và tốc độ Internet cao, đặc biệt là người Việt rất yêu thích công nghệ.
Ngoài ra, chi phí cho chuyển đổi số cũng được cho là ngày càng giảm. Ông Hồ Đức Hùng, Phó tổng giám đốc Misa ví dụ một doanh nghiệp quy mô 300 nhân sự, doanh số 500 tỷ mỗi năm, muốn đầu tư một hệ thống ERP (hệ thống quản trị nguồn lực doanh nghiệp) nước ngoài có thể tốn khoảng 3,5 tỷ đồng.
Trong khi đó, một nền tảng nội địa có thể có giá 550 triệu đồng. Những ứng dụng số hóa đơn giản hơn, phục vụ nhu cầu thiết yếu cho các doanh nghiệp từ siêu nhỏ đến vừa, tức quy mô từ dưới 10 người đến dưới 100 người, chỉ khoảng dưới 20 đến dưới 200 triệu đồng.
"Việt Nam không có cơ hội nào tốt hơn hiện nay để chuyển đổi số. Nên vấn đề là làm sao thúc đẩy được sức cạnh tranh của doanh nghiệp nội địa với nước ngoài cũng như xây dựng chính sách phù hợp", ông Hùng nói.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng quá trình chuyển đổi số của nền kinh tế vẫn chỉ mới bắt đầu, còn nhiều thách thức. Ông Nguyễn Trọng Đường, Phó Cục trưởng Cục Tin học hóa, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, Việt Nam vẫn đang "mắc kẹt" ở ngưỡng giữa của đứng nhìn và bùng nổ về chuyển đổi số.
"Tỷ lệ dùng Internet cao tạo tiềm năng tốt để chuyển đổi số. Nhưng thách thức còn nhiều hơn cơ hội. Năng lực đổi mới sáng tạo ở mức trung bình, đầu tư vào IT của doanh nghiệp khá thấp, nền kinh tế gia công vẫn là chính thay vì kinh tế tri thức", ông đánh giá.
Với các doanh nghiệp, thách thức chính là chấp nhận thay đổi để tồn tại. Theo ông Trần Anh Tuấn, Chủ tịch hội đồng quản trị Sao Bắc Đẩu, Phó chủ tịch Hội tin học TP HCM, căn bản là ai cũng sẽ phải thay đổi, kể cả những công ty công nghệ.
"Tôi nghĩ sẽ không còn mô hình truyền thống mà ai cũng thay đổi để thích ứng. Có những ngành chắc phải chết đi, ví dự như cho thuê băng đĩa biến mất cùng xu hướng của Netflix, nhưng có những ngành cộng sinh", ông Tuấn nói.
Ông Nguyễn Bá Diệp thì cho rằng, việc xây dựng niềm tin trong các hoạt động kinh tế số cũng là điều khó khăn. Ngoài chất lượng dịch vụ mà các doanh nghiệp phải tự thân cải thiện, ông trông chờ hơn vào vai trò của chính sách để thúc đẩy thanh toán điện tử, bảo vệ người mua hàng trực tuyến. Và chính sách cũng phải thực tiễn.
"Chúng tôi nhiều lần thấy nhà nước ra chính sách mà không biết phải làm thế nào. Chúng tôi đi tìm hiểu thì những người tham gia soạn chính sách đã 'quên' tiếp cận thực tế. Do vậy, doanh nghiệp cần trao đổi với các nhà nghiên cứu trường viện, nơi tư vấn chính sách và những nhà soạn thảo chính sách để góp ý, tránh ra những chính sách trên giấy, không áp dụng được", ông nói.
Viễn Thông