Đầu tháng 10, MCV Group chọn KMS Solutions là đối tác công nghệ chính thức để trực tiếp tư vấn, triển khai và bảo hành ứng dụng NetLove. MCV có thể là một cái tên xa lạ với không ít người, nhưng nếu nhắc đến TV Show "Bạn muốn hẹn hò" thì có lẽ nhiều người biết đến.
Từ việc sản xuất chương trình truyền hình thực tế "triệu view", MCV ấp ủ tham vọng một ứng dụng giải trí toàn diện đa chức năng. Ngoài lưu trữ các chương trình đã sản xuất, NetLove định hướng thành kênh livestream các chương trình mới, nơi tương tác giữa người nổi tiếng và người hâm mộ. Ứng dụng còn có kế hoạch tích hợp "tính năng vượt trội", dù chưa được công bố chi tiết nhưng có liên quan đến hẹn hò và ghép đôi trực tuyến.
"Trong kỷ nguyên số, việc tiếp cận và tiêu thụ nội dung giải trí như các show thực tế, các chương trình âm nhạc không còn bị bó buộc trong chiếc TV quá khổ, hay các laptop hiện đại", ông Phạm Từ Liêm, Giám đốc Điều hành MCV Group cho rằng khán giả ngày nay muốn gói gọn các chương trình mà họ yêu thích trong chiếc điện thoại, và đặc biệt là phải có livestream.
Một đơn vị lớn khác trong ngành giải trí cũng vừa có bước chuyển đổi số rõ rệt từ đầu tháng 11. Cụ thể, Phim Thiên Ngân (Galaxy Studio) vừa chọn HSBC Việt Nam là nhà cung cấp giải pháp thu đa kênh (Omni Channel Collections Solution), một dịch vụ cung cấp các lựa chọn thanh toán khác nhau trên cùng một nền tảng.
Về cơ bản, giải pháp này có nghĩa Galaxy có thể thu tiền vé xem phim bằng hàng loạt thẻ ngân hàng, ví điện tử khác nhau nhưng chỉ cần quản lý dòng tiền qua một đầu mối duy nhất. Bà Đinh Thị Thanh Hương, CEO của Galaxy Studio cho biết, công nghệ mới này giúp khách hàng có nhiều sự lựa chọn, thuận tiện và giao dịch dễ dàng hơn.
"Ngày nay, thanh toán điện tử đã trở thành một xu hướng phát triển và đang thay thế thanh toán bằng tiền mặt", bà Hương nói, "Những người trẻ đang đi đầu trong xu hướng này và chúng tôi cần phải tận dụng nó".
Một số báo cáo chỉ ra rằng, cơ hội cho các dịch vụ hẹn hò và giải trí ở Việt Nam đang thực sự rộng mở. Điều đó cũng lý giải việc ngày càng nhiều đơn vị trong ngành này tranh thủ chuyển đổi số trong và sau Covid-19.
Nghiên cứu của Statista cho biết, doanh thu trong lĩnh vực hẹn hò trực tuyến ở Việt Nam dự kiến đạt 18 triệu USD vào năm 2020 và sẽ tăng trưởng 16,9% mỗi năm trong giai đoạn 2020-2024. Tỷ lệ thâm nhập của người dùng sẽ là 3,4% vào năm 2020 và dự kiến sẽ đạt 4,4% vào năm 2024. Doanh thu trung bình trên mỗi người dùng (ARPU) dự kiến lên tới 5,55 USD.
Trong một khảo sát 4 tháng đầu năm của Q&Me cũng cho thấy, Covid-19 đã giúp các top 5 ứng dụng được tải về nhiều nhất ở Việt Nam giai đoạn này ngoài nhóm phục vụ về làm việc và y tế từ xa thì khoảng một nửa còn lại là ứng dụng giải trí.
Q&Me đánh giá, vì mọi người có nhiều thời gian ở nhà hơn, nên sự phổ biến của trò chơi di động, karaoke tăng lên. Theo dõi trên SensorTower, chiếm áp đảo trong số lượt tải về thời gian gần đây cũng là các ứng dụng game, livestream.
Theo bà Trinh Hồ, Nhà sáng lập công ty truyền thông FreshM, Phụ trách dịch vụ hẹn hò giấu mặt trực tiếp "Tìm thấy nhau" thuộc chuỗi After Work, tương tự như Trung Quốc hay Mỹ, giải trí trực tuyến đang bùng nổ ở Việt Nam và sẽ tăng trưởng đều đặn trong các năm tới.
"Khi mà những ngành ăn uống, thời trang, mỹ phẩm đều đang chuyển đổi số và hướng đến kinh doanh trực tuyến thì chắc chắn lĩnh vực giải trí cũng như thế", bà Trinh nói. Riêng với các dịch vụ hẹn hò trực tuyến, theo vị chuyên gia này, thị trường đang khá rộng mở và tiếp tục tăng trưởng là tất yếu.
"Tuy nhiên, các ứng dụng hẹn hò trực tuyến là cuộc chơi của những người có 'tiền to', nên nếu là startup nhỏ thì cần cẩn trọng về khả năng theo đuổi lâu dài. Ngoài ra, về hành vi, người Việt vẫn ưu tiên thói quen hẹn hò trực tiếp hơn", bà phân tích.
Chuyển đổi số có thể được thực hiện ở nhiều khâu trong quy trình hoạt động của doanh nghiệp. Để giải quyết nhu cầu, một số ưu tiên tìm giải pháp tiếp cận khách hàng trực tuyến nhiều hơn hay gia tăng trải nghiệm của họ, bằng cách xây dựng các ứng dụng hay tối ưu hóa thanh toán.
Nhưng điểm chung, theo bà Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, Giám đốc toàn quốc Trung tâm thanh toán và quản lý tiền tệ thuộc HSBC Việt Nam, chi phí cho chuyển đổi số đã không còn đắt đỏ như nhiều người nghĩ.
Để triển khai, một số đơn vị muốn xây dựng những "siêu ứng dụng", với nhiều tính năng để thu hút người dùng. Dài hạn hơn, hầu hết đều muốn biến lượng dữ liệu mình có thành "dầu mỏ" thực sự. Nhưng làm thế nào để các ý tưởng này mang lại hiệu quả thực sự?
Tại sự kiện" Digital Growth Summit 2020" cuối tháng 10, ông Bùi Huy Dũng, Giám đốc kinh doanh Accesstrade Việt Nam cho rằng, bên cạnh triển vọng, rào rản mà hầu hết doanh nghiệp đều khó tránh khi làm "siêu ứng dụng" là bài toán chi phí; vận hành và giữ chân người dùng; đo lường và tối ưu hiệu quả kênh.
Theo ông Dũng, lời giải cho bài toán này có thể là phát triển ứng dụng và hợp tác với các nền tảng (platform) khác phù hợp để tích hợp vào nhằm tiết kiệm thời gian, công sức và cùng lúc có nhiều tính năng giữ chân người dùng.
Ông Jack Nguyễn, Giám đốc khu vực của Insider, lưu ý nếu một "siêu ứng dụng" có tỷ lệ người dùng thường xuyên hàng tháng chỉ bằng 20% số lượt tải thì cần xem lại vì đó là dấu hiệu có vấn đề về tiếp thị, sản phẩm hoặc dịch vụ.
Ở góc độ khai thác dữ liệu, chia sẻ tại "Hội nghị Đầu tư 2020" mới đây, ông Phùng Tuấn Đức, Tổng giám đốc Gojek Việt Nam nói rằng, dữ liệu có mặt ở khắp mọi nơi, nhưng thấu hiểu khách hàng mới là thứ quyết định. Để làm được điều đó phải bóc tách và phân tích dữ liệu kỹ lưỡng.
Ông Đức chia sẻ kinh nghiệm của Gojek rằng, doanh nghiệp có thể bắt đầu bằng xác định mình cần những dữ liệu nào để phục vụ bài toán kinh doanh. Sau đó, thiết lập chiến lược giải quyết nó. Theo ông, khai thác dữ liệu phải là "môn thể thao đồng đội", cần sự phối hợp của tất cả phòng ban.
"Thời gian không chờ đợi. Thị trường đang tăng trưởng rất nhanh và các đối thủ cũng vậy", ông Đức cho rằng doanh nghiệp cần tận dụng ngay nguồn tài nguyên dữ liệu để gia tăng sức cạnh tranh.
Viễn Thông