Tổng thống Mỹ Donald Trump đang thúc đẩy hoạt động ngoại giao với Nga nhằm chấm dứt chiến sự Ukraine. Tuần trước, quan chức Mỹ đã đàm phán với Nga tại Arab Saudi. Cuộc gặp không có sự tham gia của châu Âu hay Ukraine. Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov hôm 22/2 cho biết hai nước có thể đàm phán tiếp trong hai tuần tới.
Giới phân tích đánh giá các diễn biến này có lợi cho Nga. Đây sẽ là cơ hội chấm dứt giai đoạn trừng phạt cả về kinh tế và chính trị cho Moskva, sau 3 năm xung đột với Ukraine.
Oleg Vyugin - cựu Phó thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga - cho rằng việc Washington thúc đẩy thỏa thuận chấm dứt xung đột được đưa ra khi Nga đứng trước hai lựa chọn. Một là, họ dừng việc tăng chi tiêu quân sự. Hai là, họ duy trì việc này và chấp nhận nhiều năm tăng trưởng chậm, lạm phát cao, chất lượng cuộc sống giảm sút. Cả hai đều mang lại rủi ro chính trị cho Moskva.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc gặp năm 2018. Ảnh: Reuters
Chi tiêu công kích thích tăng trưởng. Tuy nhiên, các khoản chi mang tính tiêu hao, như cho tên lửa, khiến giá cả tăng nhanh. Tháng 10/2024, Ngân hàng Trung ương Nga đã nâng lãi suất lên 21% khi lạm phát lên 8,4%. Lãi suất cao khiến đầu tư của doanh nghiệp chậm lại.
"Ở góc độ kinh tế, Nga sẽ hứng thú với đàm phán cùng Mỹ. Việc này giúp họ không phải phân phối thêm tài nguyên vào các hoạt động tiêu hao. Đây là cách duy nhất để ngăn tình trạng tăng trưởng chậm, lạm phát cao", Vyugin nói. Chi tiêu quân sự hiện chiếm một phần ba ngân sách nước này.
Bên cạnh đó, kể cả khi Nga chưa thể nhanh chóng giảm chi tiêu quân sự, triển vọng đạt thỏa thuận hòa bình cũng có thể xoa dịu sức ép kinh tế, khiến quốc tế rút bớt lệnh trừng phạt và doanh nghiệp phương Tây quay lại đây.
"Nga sẽ ngần ngại dừng chi tiêu ngay cho quân sự, vì việc này có thể gây ra suy thoái. Họ cũng cần khôi phục quân đội", Alexander Kolyandr - nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Chính sách châu Âu (CEPA) nhận định trên Reuters.
Sau 3 năm xung đột, kinh tế Nga không sụp đổ như các dự báo đầu năm 2022. Năm ngoái, GDP nước này tăng 4,1%, nhỉnh hơn dự báo và cao hơn mức 3,6% năm 2023. Năm 2022, tăng trưởng kinh tế của Nga chỉ giảm 2,1% - thấp hơn nhiều so với dự báo lên tới 10-15% đầu chiến sự.

Tăng trưởng GDP Nga hàng quý giai đoạn 2021-2024. Đồ thị: Guardian
Tuy nhiên, nền kinh tế này cũng chịu nhiều thiệt hại. Hoạt động di cư và tuyển dụng liên quan đến chiến sự khiến Nga thiếu lao động vài năm qua. Tỷ lệ thất nghiệp tại đây hiện ở mức thấp kỷ lục là 2,3%.
Đầu tháng này, trong cuộc họp tại Điện Kremlin, Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin cho biết trước Tổng thống Vladimir Putin rằng lạm phát cao là thách thức chính của nền kinh tế này năm nay. Năm ngoái, lạm phát là 9,5% và vẫn tiếp tục tăng.
GDP Nga năm nay được giới chức dự báo chỉ tăng quanh 1-2%. Trong phiên họp ngày 14/2, Thống đốc Elvira Nabiullina quyết định giữ nguyên lãi suất ở mức 21%. Bà khẳng định chưa thấy nền tảng để giảm lãi suất năm nay và tăng trưởng nhu cầu vẫn nhanh hơn năng lực sản xuất.
Cơ quan này gặp thách thức khi phải tìm cách cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế và kiềm chế lạm phát, trong bối cảnh chính phủ tung các gói chi tiêu tài khóa khổng lồ vì chiến sự. Thâm hụt tài khóa của Moskva tháng trước là 1.700 tỷ ruble (19,2 tỷ USD), tăng 14 lần so với cùng kỳ năm ngoái và vượt chỉ tiêu năm nay 1.200 tỷ USD.
Với lao động các ngành liên quan đến quân đội, tăng chi tài khóa giúp họ được nâng lương. Nhưng với lao động trong các ngành dân sự, việc này lại khiến giá hàng hóa cơ bản tăng vọt.
Một số doanh nghiệp đã nắm bắt cơ hội khi dòng chảy thương mại chuyển hướng và cạnh tranh giảm đi. Ví dụ, doanh thu hãng thời trang Melon Fashion Group tăng đều đặn 2 năm qua khi nhu cầu tiêu dùng tăng lên. Trên Reuters, họ cho biết số cửa hàng tại Nga đã tăng gấp đôi.
Nhưng với nhiều công ty khác, lãi suất cao lại là thách thức lớn. "Với mức lãi suất hiện tại, rất khó triển khai các dự án mới. Lượng nhà đầu tư đang co hẹp lại, những người ở lại cũng phụ thuộc vào các điều khoản của ngân hàng", Elena Bondarchuk – nhà sáng lập công ty kho hàng Orientir giải thích.
Tin tức về triển vọng hòa bình giúp rouble Nga phiên 21/2 lên cao nhất gần 6 tháng so với USD, do nhà đầu tư kỳ vọng các lệnh trừng phạt được rút lại. Kolyandr cho biết lạm phát cũng có thể hạ nhiệt, do triển vọng hòa bình nhiều khả năng khiến phương Tây không áp thêm trừng phạt lên các công ty có làm ăn với Nga, khiến việc nhập khẩu trở nên dễ dàng và rẻ hơn.
Reuters trích một tài liệu nội bộ của giới chức Nga cho biết giá dầu giảm, rào cản về ngân sách và nợ xấu doanh nghiệp tăng cao là các rủi ro hàng đầu của kinh tế nước này. Ông Trump cũng tuyên bố sẽ áp thêm lệnh trừng phạt với Nga nếu không đạt thỏa thuận chấm dứt chiến sự.
"Mỹ có thể đem lại lợi ích khổng lồ về kinh tế. Đó là lý do Nga đồng ý đàm phán. Washington nói rằng: Chúng tôi có thể nới lỏng trừng phạt khi anh hợp tác, còn nếu không, mọi việc tồi tệ hơn rất nhiều", Chris Weafer - CEO hãng tư vấn Macro-Advisory giải thích.
Hà Thu (theo Reuters, Interfax)