Tổng cục Thống kê (GSO) không công bố tăng trưởng GDP từng tháng, thay vào đó là một số chỉ tiêu cơ bản như sản xuất công nghiệp, đầu tư, thương mại... Tuy nhiên, những con số mới nhất về tháng 8 đang báo hiệu một quý khó khăn của kinh tế.
Tháng 7, tác động của đợt bùng phát thứ tư được GSO đánh giá là "ảnh hưởng tiêu cực" đến sản xuất công nghiệp - một trong những trụ cột của tăng trưởng kinh tế. Tháng 8, nhận xét này được thay đổi thành "ảnh hưởng nặng nề".
Sản xuất công nghiệp tháng 8 ước giảm 4,2% so với tháng trước và giảm 7,4% cùng kỳ, mức giảm cao nhất từ đầu năm (trừ tháng Hai do có 8 ngày nghỉ Tết). Trong đó, chế biến, chế tạo - lĩnh vực đóng góp chính vào tăng trưởng - giảm 9,2%, khai khoáng giảm 2,4%.
Con số này làm bức tranh kinh tế quý III trở nên khó đoán định, khi tháng 7, sản xuất công nghiệp cũng chỉ tăng 2,2% so với cùng kỳ, là mức tăng thấp nhất trong 7 tháng đầu năm.
Theo địa phương, mức giảm mạnh nhất chủ yếu đến từ các tỉnh phía nam, bao gồm cả TP HCM, những nơi đang chịu ảnh hưởng bởi diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19. So với cùng kỳ năm trước, chỉ số sản xuất của Bến Tre và Đồng Tháp giảm xấp xỉ 60%, TP HCM giảm hơn 49%, Vĩnh Long giảm 41,5%, Tây Ninh và Sóc Trăng giảm trên 30%.
Riêng TP HCM, sản xuất công nghiệp tháng 8 giảm hơn 22%, tính chung 8 tháng giảm 6,6%, về thấp hơn cả giai đoạn 8 tháng năm trước. "Nhiều nhà máy đã phải giảm công suất hoặc dừng hoạt động để chống dịch, nguồn nguyên vật liệu phục vụ cho sản xuất bị gián doạn, thị trường tiêu thụ hàng hóa gặp nhiều khó khăn", báo cáo của Cục thống kê TP HCM nêu.
Khu vực công nghiệp giảm mạnh, số lượng doanh nghiệp rời khỏi thị trường tăng cao, tạo ra những điểm đứt gãy trong các chuỗi cung ứng. Đứt gãy không còn là những dự báo hay suy đoán, điều này đã bắt đầu xảy ra.
Như thủy sản, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, có tới trên 50% nhà máy chế biến cá tra tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và nhà máy chế biến thủy sản ở phía Đông TP HCM đóng cửa. Hiệp hội này lo ngại nguy cơ toàn chuỗi sản xuất thuỷ sản đổ vỡ.
Nhưng công nghiệp không phải khó khăn duy nhất lộ diện trong tháng 8.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng này giảm 10,5% so với tháng trước và giảm 33,7% so với cùng kỳ năm trước. Mức giảm này trầm trọng hơn con số của tháng 7 (giảm gần 20% cùng kỳ).
Bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng là cấu phần quan trọng của mảng dịch vụ, trụ cột thứ hai trong tăng trưởng bên cạnh công nghiệp. Sức cầu nội địa từng được kỳ vọng là sự bù đắp cho thị trường nước ngoài, nhưng đang cho thấy những tín hiệu không mấy khả quan.
Sụt giảm trong tiêu dùng một phần do yếu tố khách quan là việc áp dụng giãn cách xã hội tại nhiều địa phương. Tuy nhiên, yếu tố chi phối lớn hơn là thu nhập giảm do "cỗ máy kinh tế" dừng đột ngột tại nhiều thành phố lớn. Nếu kết hợp giữa con số doanh thu kỷ lục của các chuỗi siêu thị trong tháng 7-8 và doanh số bán lẻ giảm mạnh, các ngành hàng khác ngoài thiết yếu đã giảm không phanh.
Cuộc khảo sát online do VnExpress và Ban nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV) thực hiện đầu tháng 8 với hơn 69.000 người lao động cũng cho thấy những bức tranh việc làm u ám. Trong tổng số 69.132 lao động trả lời, có tới 62% đã mất việc làm. Trong hơn 42.700 người đã mất việc này thì 50% đã không có việc làm từ 1-3 tháng; 15% người mất việc trên 6 tháng.
Việc chờ đợi sức cầu bung ra trong giai đoạn cuối năm như hình ảnh "lò xo bị nén lại" cũng được đánh giá là điều không thực tế. Chính những chuỗi bán lẻ đứng đầu, dù ghi nhận doanh thu tăng vọt trong giai đoạn giãn cách, cũng tỏ ra bi quan về triển vọng tương lai.
Với những động lực tăng trưởng thay thế, như đầu tư công hay xuất nhập khẩu, khó khăn cũng xuất hiện.
Đầu tư công - biện pháp được kỳ vọng giúp kinh tế chống đỡ một phần tác động của Covid-19 - có dấu hiệu chậm lại trong hai tháng gần đây.
Tổng cục Thống kê lý giải, việc nhiều địa phương áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội làm ảnh hưởng đến việc thực hiện các dự án đầu tư công. Tốc độ tăng vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách tháng 8 giảm 7,1% so với tháng trước và giảm gần 25% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 8 tháng, vốn đầu tư thực hiện mới đạt hơn 50% kế hoạch.
Kim ngạch xuất nhập khẩu cũng giảm trong tháng 8 sau khi tăng liên tục từ đầu năm. Diễn biến phức tạp của Covid-19 đang đe dọa sự phục hồi của nhiều quốc gia, bao gồm những thị trường lớn của xuất khẩu. Mỹ - thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam - đang gặp nhiều vấn đề khi mở cửa trở lại bởi sự hoành hành biến thể Delta.
Ở chiều hướng tích cực, nhiều địa phương bắt đầu phục hồi sản xuất nhờ kịp thời ngăn chặn sự lan rộng của đại dịch.
Trong khi các tỉnh phía Nam chịu ảnh hưởng nặng nề, một số "thủ phủ công nghiệp" phía Bắc đã dần trở lại hoạt động, giúp hạn chế phần nào ảnh hưởng. Trong tháng 8, Hải Phòng, Bắc Ninh, Hưng Yên, Quảng Ninh đều ghi nhận tăng trưởng của sản xuất công nghiệp. Nhiều doanh nghiệp FDI nối lại hoạt động giúp một số ngành quan trọng như sản xuất hàng điện tử, dệt may phục hồi một phần.
CPI có dấu hiệu tăng trở lại trong tháng 8, nhưng tính chung từ đầu năm vẫn cách xa mục tiêu Chính phủ đề ra, cũng tạo thêm dư địa cho các chính sách hỗ trợ.
Dù vậy, nếu nhìn tổng thể, bức tranh kinh tế vẫn đang nghiêng về phía sắc thái tiêu cực. Chỉ với hai yếu tố về sản xuất công nghiệp và tổng mức bán lẻ trong tháng 8, nhiều chuyên gia đã nhắc tới kịch bản kinh tế tăng trưởng âm trong quý III, thậm chí là đà giảm kéo dài tới quý cuối năm.
Minh Sơn