Phát biểu tại Hội nghị ngành kế hoạch và đầu tư sáng nay tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho hay, kinh tế thế giới năm 2009 được dự báo khó khăn hơn năm nay, và ít khả năng phục hồi như dự báo trước đây. Ông trích dẫn báo cáo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) công bố ngày 6/11 cho biết, tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới trong năm 2008 vào khoảng 3,7%, nhưng sang năm 2009 có khả năng còn 2,2%. Trong đó, Mỹ, Nhật và các nước châu Âu đều tăng trưởng âm. Riêng khu vực Đông Nam Á và Trung Quốc vẫn duy trì được tăng trưởng, dù có giảm sút so với năm nay.
Theo Thủ tướng, hiện Việt Nam đã là một bộ phận của kinh tế thế giới, nên khi bên ngoài có biến động, xuất khẩu của Việt Nam sẽ chịu tác động đầu tiên. "Xuất khẩu trong 2 tháng cuối năm sẽ rất khó khăn, như với dệt may, đồ gỗ, cao su", Thủ tướng nói. Trong khi đó, giá dầu thô trên thị trường thế giới giảm còn một nửa so với thời gian trước, nên dù Việt Nam có duy trì lượng dầu xuất khẩu tương đương năm nay, ngoại tệ thu về cũng giảm đến 50%. Dự báo giá trị xuất khẩu năm 2009 của Việt Nam không bằng một nửa so với năm nay. Khách du lịch vào Việt Nam liên tiếp đi xuống trong 2 năm qua, và dự báo giảm tiếp trong năm tới.
Lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký vào Việt Nam đạt kỷ lục khoảng 60 tỷ USD. Nhưng theo Thủ tướng, nguồn vốn đăng ký năm tới có khả năng chậm lại, và các dự án FDI đang triển khai cũng có nguy cơ bị ngừng nếu chủ đầu tư nước ngoài có khó khăn.
Xuất khẩu của Việt Nam dự báo suy giảm mạnh trong năm 2009, các nguồn vốn đầu tư cũng bị ảnh hưởng. Ảnh: Hoàng Hà |
Mặt khác, nguồn vốn đầu tư gián tiếp (FII) và kiều hối cũng sụt giảm. "Xu hướng nhà đầu tư nước ngoài rút vốn gián tiếp vẫn là nhiều hơn, trong khi bà con ta làm ăn ở nước ngoài nếu khó khăn cũng ít gửi được tiền về nước hơn trước", ông nhận định. Năm 2008 dự kiến lượng kiều hối chuyển về Việt Nam vẫn đạt khoảng 8 tỷ USD, nhưng dự báo năm sau có thể giảm một nửa. Trong khi đó, việc vay vốn nước ngoài cũng khó hơn, do kinh tế các nước cũng khó khăn.
Đánh giá về kinh tế năm 2008, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc cho rằng, các cân đối vĩ mô như ngân sách nhà nước, tiền tệ tín dụng, cán cân thanh toán quốc tế tương đối ổn định. Dự trữ ngoại tệ tăng lên, nhập siêu giảm dần. Hiện tình hình thị trường và giá cả đang dần ổn định trở lại. Một điểm đáng chú ý trong năm nay là thu nhập bình quân đầu người cả năm theo tính toán sơ bộ của Tổng cục thống kê (GSO) vào khoảng 1.030 USD, vượt xa kế hoạch của năm là 960 USD. Với mức thu nhập bình quân này (chưa bao gồm tốc độ trượt giá của đồng đôla), Việt Nam ra khỏi nhóm các nước có thu nhập thấp, và bước sang nhóm có thu nhập trung bình.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, các nền kinh tế lớn có thể đưa ra các gói kích thích kinh tế nhằm chặn đà suy giảm, nhưng Việt Nam khó lòng thực hiện. Vì thế, ưu tiên của Chính phủ là cân đối vĩ mô, giữ ổn định kinh tế và tránh suy giảm. Theo ông, kinh tế Việt Nam vẫn có thuận lợi trong năm 2009, nhờ vào sự ổn định về chính trị, thị trường nội địa rộng lớn với trên 80 triệu dân và Đông Nam Á nhìn chung vẫn duy trì được đà tăng trưởng mạnh hơn các khu vực khác. Mặt khác, trong năm 2009, năng lực sản xuất của Việt Nam có thể tăng lên, nhờ có thêm trên 3.000 MW điện đưa vào sản xuất, thêm 15 nhà máy ximăng mới và nhà máy lọc dầu Dung Quất cũng đi vào hoạt động.
Theo người đứng đầu Chính phủ, nhiệm vụ của Việt Nam trong năm 2009 vẫn là kiềm chế lạm phát. "Không thể chủ quan khi giá cả bước đầu được kiềm chế, vì những nguyên nhân gây lạm phát, như cơ cấu kinh tế, chính sách tiền tệ, tài khóa cần thời gian để hoàn thiện", ông nhấn mạnh. Các giải pháp chính nhằm giữ cho nền kinh tế khỏi nguy cơ suy giảm, trong khi vẫn đảm bảo kiềm chế lạm phát gồm thúc đẩy xuất khẩu, kích cầu tại thị trường trong nước, đầu tư cho các dự án có hiệu quả, cùng lúc với việc áp dụng chính sách tiền tệ và tài khóa phù hợp, và đảm bảo an sinh xã hội. Theo ông, các biện pháp này sẽ phải thực hiện quyết liệt từ 2 tháng cuối năm nay, nếu không sẽ thêm khó khăn cho năm 2009.
Do kinh tế thế giới suy giảm, Việt Nam khó tránh được nguy cơ bị suy giảm theo. Vì vậy, theo Thủ tướng, tăng trưởng cần được duy trì ổn định ở mức hợp lý, với năm 2009 dự kiến là 6,5%. "Trong điều kiện khó khăn, mục tiêu tăng trưởng này vẫn có thể thực hiện, vì Việt Nam có thị trường nội địa lớn", ông nói.
Theo Thủ tướng, Việt Nam sẽ áp dụng chính sách tiền tệ nới lỏng hơn thời gian trước, và hiện đã đưa lãi suất về gần với mức trước khi có khủng hoảng tài chính thế giới. Các ngân hàng được tạo thuận lợi để hoạt động có hiệu quả, đảm bảo thanh khoản. Việc này sẽ tạo điều kiện cho nhà băng khoanh nợ, giãn nợ cho các doanh nghiệp đang gặp khó khăn. Cùng với đó, các chính sách tài khóa cũng được áp dụng, như xem xét miễn giảm thuế cho doanh nghiệp để duy trì sản xuất.
Song song với các chính sách tiền tệ và tài khóa, người đứng đầu Chính phủ cho biết tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu. "Chính phủ sẽ cố gắng hết sức để hỗ trợ doanh nghiệp, bằng vốn, thuế, thủ tục và mở rộng thị trường", người đứng đầu Chính phủ cam kết. Cùng với đó là chính sách kích cầu trong nước. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, các dự án có hiệu quả vẫn được khuyến khích đầu tư, và các thành phần kinh tế đều được khuyến khích tham gia, chứ không chỉ đầu tư từ ngân sách.
Người đứng đầu Chính phủ cho biết, trong đầu tháng 1 tới, Chính phủ sẽ đưa ra bảo hiểm thất nghiệp, để đảm bảo an sinh xã hội trong điều kiện kinh tế có khó khăn. Ngân hàng Phát triển Việt Nam dự kiến cũng đứng ra bảo lãnh xuất khẩu cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Trao đổi với báo giới bên lề hội nghị, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc cho biết, trong ít ngày tới Bộ sẽ trình Chính phủ các giải pháp cụ thể để thúc đẩy đầu tư trong nước, trong đó ưu tiên các dự án có hiệu quả.
Một số chỉ tiêu kinh tế chính trong năm 2008 và 2009:
(Nguồn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư)
Chỉ tiêu |
Ước thực hiện 2008 (%) |
Dự kiến 2009 (%) |
Tăng trưởng GDP |
6,7 |
6,5 |
Kim ngạch xuất khẩu |
31,8 |
13 |
Đầu tư so với GDP |
39 |
39,5 |
CPI |
22 |
dưới 15 |
Giải ngân ODA |
1,6 tỷ USD (trong 10 tháng đầu năm) |
2,2 tỷ USD |
Ngọc Châu