Sau khi tiêm vaccine Covid-19, học giả Katherine Lee từ trường Y Đại học Washington, Mỹ, trao đổi với một đồng nghiệp về phản ứng phụ mà họ gặp phải. Cả hai đều bất ngờ khi chu kỳ kinh nguyệt của họ bị thay đổi.
Một số đồng nghiệp và bạn bè cô cũng nhận thấy sự khác thường như kỳ kinh đến sớm, chảy nhiều máu hơn. "Kinh nguyệt là một quá trình linh hoạt, phản ứng với nhiều yếu tố như căng thẳng, thay đổi về mặt thể chất, tinh thần hay miễn dịch. Trước những tác động đó, chu kỳ kinh phải thích nghi", chuyên gia Lee giải thích.
Lee đến giáo sư Kathryn Clancy, người chuyên nghiên cứu sức khỏe phụ nữ ở Đại học Illinois, thảo luận vấn đề này. Sau đó, Clancy được tiêm mũi vaccine Covid-19 đầu tiên và có trải nghiệm tương tự. "Hơn một tuần sau khi tiêm vaccine Moderna, tôi chưa bao giờ ra nhiều máu như vậy", Clansy cho biết.
Giáo sư Clansy chia sẻ trải nghiệm của mình trên Twitter, cùng nhiều người khác có triệu chứng tương tự. Đó là lúc Lee và Clancy nhận ra họ cần tiến hành một cuộc khảo sát.
"Nhiều người phát hiện điều gì đó khác thường nhưng không biết có phải phản ứng phụ của vaccine hay không. Có rất nhiều thứ có thể ảnh hưởng chu kỳ kinh. Cho nên, nếu đây thực sự là tác dụng phụ của vaccine, mọi người nên được biết và chuẩn bị cho điều đó", Clancy chia sẻ. Dù chưa phân tích số liệu của cuộc khảo sát, Lee cho biết sự thay đổi không kéo dài lâu mà chỉ diễn ra trong chu kỳ kinh ngay sau mũi tiêm.
Các chuyên gia không chắc những nghiên cứu trước có xem xét mối quan hệ giữa vaccine và chu kỳ kinh nguyệt hay không. Theo Clancy, mãi cho tới những năm 1990, sau đề xuất của Viện Y học Quốc gia Mỹ, phụ nữ mới trở thành đối tượng nghiên cứu trong các thử nghiệm.
Hiện, cơ chế tác động của vaccine Covid-19 đối với tử cung vẫn chưa rõ. Tuy nhiên, giới khoa học đã có hiểu biết nhất định về tác động của Covid-19 lên chu kỳ kinh nguyệt. Các nghiên cứu về chủ đề này chủ yếu đến từ Trung Quốc.
"Có những báo cáo mô tả quá trình virus xâm nhập tế bào tại nhiều bộ phận trong cơ thể như đường tiêu hóa, thận, tử cung và nhau thai", bác sĩ Anar Yukhayev, chuyên ngành phụ khoa ở Trung tâm Y tế Long Island Jewish, New York, nói. Yukhayev cho biết trong một nghiên cứu khác về 200 phụ nữ Trung Quốc, gồm người mắc Covid-19 và người khỏe mạnh, 20,25% người tham gia có chu kỳ kinh bị thay đổi. Bác sĩ này đưa ra giả thuyết rằng tình trạng viêm và kháng thể là nguyên nhân làm kinh nguyệt trở nên khác thường.
Tiến sĩ Gloria Bachmann, giám đốc Viện Sức khỏe Phụ nữ tại Đại học Y Rutgers Robert Wood Johnson, chỉ ra ảnh hưởng của hormone estrogen với Covid-19. "Mối liên hệ giữa estrogen và Covid-19 không hề xấu, nhưng có thể gây ra thay đổi cho chu kỳ kinh nguyệt. Tuy nhiên, tác động này không nguy hiểm và chỉ diễn ra trong thời gian ngắn", Bachmann giải thích.
Estrogen phần nào làm kinh nguyệt đến sớm, chậm kinh, ra nhiều máu hoặc các thay đổi khác. "Hormone này liên quan đến rất nhiều triệu chứng bất thường của chu kỳ kinh nguyệt", tiến sĩ Bachmann nói thêm.
Bác sĩ Yukhayev khuyến cáo những người lo lắng khi kinh nguyệt thay đổi cần đi gặp chuyên gia để được tư vấn. Ngoài nguyên nhân vaccine, mang thai cũng ảnh hưởng đến chu kỳ kinh. Nếu tình trạng kéo dài, đó có thể là dấu hiệu của bệnh như u xơ tử cung, lạc nội mạc tử cung hoặc buồng trứng đa nang.
Theo tiến sĩ Bachmann, chu kỳ kinh bất thường chưa được ghi nhận là tác dụng phụ của vaccine Covid-19, do tình nguyện viên trong các đợt thử nghiệm không để ý tới phản ứng này hoặc phạm vi nghiên cứu còn nhỏ. "Phải mất một thời gian để mọi người sử dụng vaccine, báo cáo kết quả thì mới xác định được tất cả các vấn đề liên quan", Bachmann giải thích.
Mai Dung (Theo Today)