Trong báo cáo Điểm lại công bố chiều nay, WB nhận định môi trường kinh tế toàn cầu đang tạo ra nhiều thách thức hơn, tăng trưởng chậm lại và xuất hiện nhiều rủi ro. Tác động bất lợi bên ngoài lên các ngành kinh tế quan trọng khiến đà tăng trưởng của Việt Nam chững lại từ đầu năm. Tuy vậy, WB nhận định triển vọng vẫn tích cực.
GDP năm nay được dự báo tăng 6,6%, do sức cầu bên ngoài yếu đi và chính sách tài khóa, tín dụng tiếp tục thắt chặt. Tốc độ này thấp hơn năm ngoái (7,08%). Hai năm tới, tăng trưởng có thể tiếp tục chậm lại, về 6,5%.
Theo WB, nhu cầu bên ngoài đi xuống khiến các ngành chế tạo, chế biến theo định hướng xuất khẩu tăng trưởng chậm lại. Dịch tả lợn châu Phi và giá hàng hóa quốc tế giảm gây ảnh hưởng đến sản lượng nông nghiệp. Dù vậy, ngành dịch vụ của Việt Nam vẫn diễn biến tốt. Đây là dấu hiệu cho thấy nhu cầu trong nước, đặc biệt là tiêu dùng tư nhân, vẫn tăng bền vững.
Áp lực lạm phát được nhận định còn thấp. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) được dự báo vào khoảng 3,7% năm nay, dưới chỉ tiêu lạm phát chính thức là 4%.
WB nhận định cán cân thương mại của Việt Nam đang cải thiện, đầu tư FDI sôi động và tỷ giá tương đối ổn định. Nợ công trên GDP tiếp tục được dự báo giảm, xuống 58,3% năm nay nhờ chính sách tài khóa có kỷ luật.
WB cho rằng Việt Nam sẽ được hưởng lợi khi tăng cải cách cơ cấu, và tâm lý nhà đầu tư được cải thiện nhờ các hiệp định thương mại tự do mới và hoạt động chuyển dịch thương mại trên toàn cầu. Dù vậy, rủi ro cũng sẽ tăng lên nếu căng thẳng thương mại leo thang; kinh tế toàn cầu suy giảm mạnh hơn dự kiến, kéo theo các đối tác thương mại chính của Việt Nam; hoặc Việt Nam không duy trì được cải cách cơ cấu.
Ông Ousmane Dione – Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam cho rằng: "Việt Nam cần chuẩn bị điều chỉnh chính sách vĩ mô trong trường hợp các rủi ro trên trở thành hiện thực, khiến việc suy giảm mạnh hơn dự kiến. Việt Nam cũng sẽ phải tiếp tục tăng cải cách cơ cấu, tăng năng lực cạnh tranh xuất khẩu và hội nhập thương mại qua các hiệp định khu vực và đa phương".
Nhận định về tác động của Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU (EVFTA) vừa ký kết hôm qua, ông Sebastian Eckardt - kinh tế trưởng WB tại Việt Nam cho rằng hiệp định này có nhiều cam kết khó triển khai và lợi ích đầy đủ cũng khó có được ngay. "Tăng niềm tin nhà đầu tư, tăng vốn FDI và đẩy mạnh xuất khẩu là các triển vọng tích cực. Tuy nhiên, nó chỉ có thể hiện thực hóa nếu làm đúng cam kết, nâng cao chất lượng triển khai", ông nhận định. Đại diện WB cho rằng quá trình này cần nhiều thời gian và tác động chưa thể phản ánh trong kỳ dự báo lần này.
Đánh giá nguy cơ hàng Trung Quốc đội lốt hàng Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ, nhằm né thuế do chiến tranh thương mại, ông Eckardt cho rằng đây là rủi ro có thực. Dù vậy, ông tin tưởng Chính phủ sẽ nắm được tình hình và có biện pháp đảm bảo quy tắc xuất xứ, giảm thiểu tình trạng này.
Hà Thu