Trong báo cáo Triển vọng Kinh tế Toàn cầu vừa công bố, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo năm nay, GDP toàn cầu chỉ tăng 2,9%, chậm hơn so với 3% năm ngoái. Nguyên nhân là căng thẳng thương mại leo thang và thương mại quốc tế chậm lại.
"Đầu năm 2018, kinh tế toàn cầu vẫn đang khởi sắc. Nhưng nó đã mất đà trong năm nay, và sẽ gặp nhiều thách thức hơn trong năm tới", Giám đốc điều hành WB - Kristalina Georgieva nhận xét.
Các nền kinh tế mới nổi được dự báo tăng trưởng 4,2% năm nay. Trong khi đó, các nước phát triển có thể chỉ tăng 2%. Tốc độ chậm lại chủ yếu nằm ở các nước giàu, như Mỹ, Eurozone hay Nhật Bản.
Báo cáo được công bố trong bối cảnh hai nền kinh tế lớn nhất thế giới - Mỹ và Trung Quốc mắc kẹt trong căng thẳng thương mại, khiến các thị trường tài chính chao đảo nhiều tháng qua. WB dự báo tăng trưởng tại Mỹ có thể chỉ còn 2,5% năm nay, giảm so với 2,9% năm ngoái. Trong khi đó, con số này của Trung Quốc được dự báo là 6,2%, thấp hơn so với 6,5% năm 2018.
Hai nước này đã làm gián đoạn dòng chảy thương mại toàn cầu, khi áp thuế nhập khẩu lên hàng trăm tỷ USD hàng hóa của nhau. WB tính toán 2,5% thương mại toàn cầu đã bị ảnh hưởng vì thuế nhập khẩu được áp năm ngoái. Con số này có thể còn tăng gấp đôi nếu các loại thuế bổ sung được áp thêm.
Dù vậy, hai bên vẫn đang nỗ lực tìm cách giải quyết căng thẳng. Cuộc đàm phán giữa Mỹ và Trung Quốc tại Bắc Kinh vừa kết thúc sau 3 ngày, dài hơn một ngày so với dự kiến, với nhiều dấu hiệu tích cực.
Dĩ nhiên, báo cáo của WB cũng mang đến một số thông tin tích cực. Dù kinh tế toàn cầu đang chậm lại, các nhà kinh tế tại WB cho rằng đây sẽ là một cuộc "hạ cánh mềm". Việc chậm lại đã bắt đầu từ giữa năm ngoái và đến nay vẫn rất "có trật tự".
Hà Thu (theo BBC/Reuters)