Tại hội nghị Thủ tướng gặp doanh nghiệp hôm nay, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên đề nghị sớm phê duyệt Quy hoạch Điện VIII. Ông Diên cũng kiến nghị Thủ tướng bỏ các quyết định trước đây về giá FIT ưu đãi cho điện mặt trời, điện gió (Quyết định 13, 37 và 39) để giao cho ngành điện đàm phán với các doanh nghiệp chuyển tiếp, xác định giá thị trường.
Trước kiến nghị này, Thủ tướng Phạm Minh Chính nói cũng "rất sốt ruột" nhưng Quy hoạch điện VIII phải nghiên cứu kỹ, đánh giá khách quan. Ông nhắc lại 5 khâu quan trọng trong phát triển điện năng là: nguồn, truyền tải, phân phối, sử dụng và giá điện phải cạnh tranh.
"Chẳng hạn, năng lượng sạch như điện gió, điện mặt trời, càng nhiều càng tốt nhưng vấn đề là giá thế nào. Giá điện nếu tăng lên thì người dân và doanh nghiệp làm sao chịu được", ông nói và đề nghị đặt lợi ích quốc gia lên trên, chứ "không thể chạy theo lợi ích nhóm".
Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu xem xét lại quy hoạch về nguồn, truyền tải, quy hoạch các vùng miền để sử dụng cho tiết kiệm, hiệu quả. "Khi chưa làm rõ những điều này thì chưa duyệt được Quy hoạch điện VIII", Thủ tướng nêu quan điểm.
Dự kiến, ngày 13/8, Thường trực Chính phủ sẽ họp, xem xét về dự thảo Quy hoạch điện VIII.
Tháng trước, khi giải trình với Thủ tướng một số vấn đề phát triển điện mặt trời tại dự thảo Quy hoạch điện VIII, Bộ Công Thương kiến nghị làm tiếp gần 2.430 MW điện mặt trời để vận hành thương mại vào năm 2030. Trong đó các dự án hoặc phần dự án điện mặt trời đã hoàn thành thi công là gần 453 MW (ước tính tổng số tiền đã đầu tư khoảng 11.800 tỷ đồng); các dự án đã quy hoạch, chấp thuận nhà đầu tư nhưng chưa vận hành gần 1.976 MW.
Hiện có 24 dự án điện mặt trời đã và đang triển khai ở các mức độ khác nhau. Nếu loại bỏ những dự án này sẽ gây thiệt hại cho doanh nghiệp và người dân khoảng 12.700 tỷ đồng và có rủi ro về pháp lý.
Tuy nhiên, tại góp ý các vấn đề liên quan Quy hoạch điện VIII vừa gửi Chính phủ, Thanh tra Chính phủ cho rằng, việc làm tiếp hay không gần 2.430 MW cần rà soát các dự án hoặc phần dự án trên theo nhóm đã hoàn thành xây dựng nhưng chưa vận hành thương mại; các dự án đã được cấp đất và ký hợp đồng mua sắm thiết bị; dự án được chấp thuận đầu tư, cấp đất...
Từ đó, cơ quan quản lý đánh giá mức độ ảnh hưởng cho phép tiếp tục triển khai và đưa vào vận hành thương mại trước năm 2030 với cơ chế giá mua điện phù hợp, khắc phục những bất cập về giá mua điện trong thời gian qua và khả năng hấp thụ của hệ thống lưới điện quốc gia...
Với các dự án điện mặt trời đã bổ sung vào Quy hoạch điện VII điều chỉnh còn lại, Thanh tra Chính phủ đồng ý chỉ xem xét sau năm 2030, trên cơ sở phù hợp với hệ thống lưới điện truyền tải, cơ cấu phát triển nguồn điện vùng, miền; đầu tư hệ thống lưới điện truyền tải để giải tỏa công suất phát điện.