Trước khi chiến dịch quân sự ở Ukraine bắt đầu hôm 24/2, nền kinh tế Nga được cho là an toàn trước các cuộc khủng hoảng, dù vẫn gặp nhiều khó khăn do lệnh trừng phạt được phương Tây tung ra từ thời điểm nước này sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014.
"Các nhà kinh tế thường mô tả rằng nền kinh tế Nga khi đó như mắc kẹt trong đầm lầy, nên không thể rơi xuống vách đá", Sergei Guriev, giáo sư kinh tế tại Viện Nghiên cứu Chính trị Pháp (Sciences Po) ở Paris, cho hay.
Từ năm 2013, GDP của Nga tăng trung bình khoảng 1% mỗi năm. Trong khi đó, Nga có nợ chính phủ thấp, quỹ đầu tư quốc gia và kho dự trữ ngoại hối lớn, giúp đảm bảo ổn định nền kinh tế. Quy tắc tài chính bảo thủ và các chính sách tiền tệ được tung ra để đối phó lạm phát đã góp phần vào đà tăng trưởng khiêm tốn nhưng ổn định của Nga.
Do đó, trước thềm xung đột Ukraine, các nhà kinh tế thường mô tả kinh tế Nga như một "pháo đài" trước các lệnh trừng phạt. Các chiến lược gia kinh tế Nga cho rằng, hậu quả tồi tệ nhất mà phương Tây có thể gây ra là loại Moskva khỏi hệ thống thanh toán toàn cầu SWIFT.
Sau khi Mỹ đe dọa ngắt kết nối giữa Nga và SWIFT năm 2014, Moskva đã bắt đầu phát triển một giải pháp thay thế trong nước là hệ thống giao dịch SPFS. Dù không hoàn hảo và chỉ được sử dụng ở Nga, hệ thống SPFS đã bắt đầu hoạt động từ năm 2017.
Nhưng khi chiến dịch quân sự ở Ukraine bắt đầu, phương Tây đã tung ra loạt biện pháp trừng phạt mạnh mẽ hơn nhiều. "Tòa tháp chính trong pháo đài Nga đã bị loạt đòn trừng phạt này bắn phá", giáo sư Guriev cho hay.
Các biện pháp trừng phạt mới của phương Tây đánh thẳng vào Ngân hàng Trung ương Nga, đóng băng hàng trăm tỷ USD dự trữ ngoại tệ, trong đó có quỹ đầu tư quốc gia.
Cơn hoảng loạn tài chính sau loạt lệnh trừng phạt đã khiến Ngân hàng Trung ương Nga phải kiểm soát vốn, tăng lãi suất cơ bản từ 9,5% lên 20%, đóng cửa thị trường tài chính trong vài tuần. Chính phủ cũng chỉ thị cho các tập đoàn xuất khẩu dầu khí quy đổi 80% doanh thu ngoại tệ sang đồng ruble.
Trong ba tuần đầu chiến dịch tại Ukraine, lạm phát tại Nga tăng 2% mỗi tuần, sau đó giảm xuống 1% mỗi tuần (1% mỗi tuần tương đương 68% mỗi năm).
Quyết định hạn chế xuất khẩu hàng trăm mặt hàng quan trọng, cũng như động thái tẩy chay thị trường Nga của các công ty phương Tây, càng khiến Moskva bị tách rời khỏi nền kinh tế toàn cầu. Mỹ và Canada đã cấm mua dầu Nga, trong khi Liên minh châu Âu cũng đã vạch lộ trình riêng để thoát phụ thuộc năng lượng từ Moskva.
Mỹ và châu Âu cũng cấm xuất khẩu công nghệ tiên tiến sang Nga, với sự tham gia của nhiều tập đoàn tư nhân cũng tham gia vào lệnh cấm vận. Nhiều công ty phương Tây, từ IKEA và McDonald’ cho tới Airbus và Boeing, cũng đình chỉ hoạt động ở Nga.
Theo giáo sư Guriev, nhiều ngành công nghiệp Nga phụ thuộc rất lớn vào công nghệ và thiết bị phương Tây. Ngành sản xuất ôtô của Nga đã sụt giảm mạnh, khi phải phụ thuộc vào linh kiện nhập khẩu. Doanh số bán ôtô trong tháng 3 thấp hơn ba lần so với cùng kỳ năm ngoái.
"Đây là lý do dự báo tăng trưởng GDP của Nga năm 2022 lập tức bị giảm mạnh", Guriev cho hay.
Trước xung đột, GDP của Nga được dự báo tăng 3% trong năm 2022 và phục hồi sau cuộc suy thoái do đại dịch gây ra. Nhưng hiện tại, Ngân hàng Trung ương Nga cho rằng GDP nước này sẽ giảm 8% trong năm nay. Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu dự báo mức giảm 10%, trong khi Viện Tài chính Quốc tế ở Washington cho rằng con số này có thể lên tới 15%.
Theo giới quan sát, mức giảm 10% GDP sẽ khiến Nga đối mặt với cuộc suy thoái tồi tệ nhất kể từ đầu những năm 1990.
Tuy nhiên, kịch bản tồi tệ nhất chưa đến. Ngay cả khi có thể điều chỉnh để duy trì trạng thái cân bằng trong 1-2 năm tới, nền kinh tế Nga cũng sẽ khó nhanh chóng phục hồi như trước xung đột, theo các nhà phân tích.
Guriev giải thích rằng các biện pháp trừng phạt sẽ khiến Nga tiếp tục bị cô lập khỏi thị trường vốn toàn cầu và công nghệ tiên tiến của nước ngoài. Bên cạnh đó, cơ hội phát triển của doanh nhân trong nước bị mất và một bộ phận nhân lực lành nghề có thể rời Nga do lo ngại cuộc xung đột sẽ làm suy yếu triển vọng sự nghiệp.
Giới quan sát cũng không loại trừ khả năng phương Tây tiếp tục áp lệnh trừng phạt bổ sung với Nga. Khi tổn thất về người và kinh tế trong cuộc xung đột ở Ukraine ngày càng tăng, Mỹ và đồng minh đối mặt nhiều áp lực để tiếp tục tăng sức ép với nền kinh tế Nga, trong đó có năng lượng. Trong những năm gần đây, chỉ riêng dầu mỏ và khí đốt đã chiếm 35-40% ngân sách liên bang và chiếm 60% xuất khẩu của Nga.
Nghị viện châu Âu đầu tháng này thông qua một nghị quyết không mang tính ràng buộc, yêu cầu EU cấm nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch Nga. "Dù sớm hay muộn, nó sẽ xảy ra, nhưng tôi mong là sớm", Josep Borrell, quan chức phụ trách chính sách đối ngoại Liên minh châu Âu (EU), nói.
Nếu lệnh cấm dầu khí của châu Âu được đưa ra, Nga sẽ phải đối mặt với thách thức tài chính rất lớn, đe dọa tiềm năng tăng trưởng. Ngoài ra, khi Mỹ, Canada và các đồng minh thống nhất tăng áp lực với Trung Quốc, Moskva có thể sẽ phải từ bỏ hy vọng trông đợi vào nguồn tài chính và công nghệ Bắc Kinh để đối phó áp lực từ phương Tây.
"Ngay cả khi các biện pháp kiểm soát vốn và tiền tệ của Ngân hàng Trung ương Nga giúp tăng giá đồng ruble và làm chậm tốc độ lạm phát, tình hình hiện tại vẫn sẽ khiến Nga khó có thể phục hồi về mức trước xung đột", giáo sư Guriev nhấn mạnh.
Ngân hàng Trung ương Nga hôm 18/4 thông báo trên website rằng giá tiêu dùng trung bình ở nước này đã tăng 16,7% so với năm ngoái.
Elvira Nabiullina, chủ tịch Ngân hàng Trung ương Nga, nói với Hạ viện Nga rằng các lệnh trừng phạt đến nay chủ yếu tác động đến thị trường tài chính, nhưng "chúng sẽ sớm bắt đầu ảnh hưởng đến các lĩnh vực khác của nền kinh tế".
Theo bà Nabiullina, gần như mọi sản phẩm sản xuất ở Nga đều dựa vào linh kiện nhập khẩu. Các nhà máy hiện có thể vẫn còn nguồn linh kiện dự trữ, nhưng sẽ sớm phải thay đổi chuỗi cung ứng hoặc chuyển sang tự sản xuất linh kiện khi các lệnh cấm vận tiếp tục kéo dài.
"Vấn đề có thể chưa được cảm nhận rõ ràng vào thời điểm hiện nay, vì chúng ta vẫn còn các nguồn dự trữ trong nền kinh tế, nhưng các lệnh trừng phạt sẽ được thắt chặt gần như mỗi ngày", bà nói. "Thời kỳ nền kinh tế có thể dựa vào nguồn dự trữ là có hạn".
Sergei S. Sobyanin, thị trưởng Moskva cũng thông báo chương trình trị giá 41 triệu USD để giúp đỡ những người lao động bị các công ty nước ngoài sa thải. Theo ước tính của văn phòng thị trưởng Moskva, khoảng 200.000 người đang có nguy cơ thất nghiệp ở thành phố 13 triệu dân này.
Nhiều công ty phương Tây đã rời Nga hoặc ngừng hoạt động tại nước này sau khi Tổng thống Vladimir Putin mở chiến dịch quân sự tại Ukraine cuối tháng 2. Nhiều công ty bị bán, văn phòng đóng cửa và nhà máy ngừng sản xuất từ xe hơi đến bia.
Hàng chục doanh nghiệp đã cam kết vẫn trả lương cho nhân viên tại Nga, ít nhất là trong ngắn hạn. Tuy nhiên, hiện chưa rõ các công ty có thể hỗ trợ đến khi nào.
Ông Sobyanin cho biết chính phủ Nga đang vào cuộc hỗ trợ các công nhân bị bỏ lại phía sau. "Chương trình hỗ trợ này hướng tới nhân viên các công ty nước ngoài tạm ngừng hoạt động hoặc rời khỏi Nga", ông nói. Kế hoạch gồm đào tạo lại, cung cấp việc làm tạm thời, việc làm trong các dự án công cộng và gói khuyến khích các công ty khác tuyển dụng lại nhóm lao động này.
Các lệnh trừng phạt của phương Tây đang tác động phần nào lên kinh tế Nga. Ngân hàng Thế giới (WB) tháng này dự báo GDP Nga giảm 11,2% năm nay.
Việc nửa khối dự trữ ngoại hối không thể tiếp cận được vì để ở nước ngoài cũng khiến Nga gặp khó trong việc trả nợ bằng USD. S&P và Moody’s đều đã lên tiếng cảnh báo việc Nga trả nợ bằng ruble thay vì đôla Mỹ với khoản nợ đáo hạn hôm 4/4.
Wally Adeyemo, thứ trưởng Bộ Tài chính Mỹ, phát biểu trong một hội thảo kinh tế hôm 18/4 rằng, lạm phát ở Nga sẽ tăng cao và hàng hóa nhập khẩu sẽ giảm mạnh, khiến Điện Kremlin "có ít nguồn lực hơn để củng cố nền kinh tế" cũng như tiếp tục chiến dịch quân sự tại Ukraine.
Tuy nhiên, Tổng thống Vladimir Putin nhiều lần khẳng định Nga sẽ vượt qua áp lực trừng phạt của phương Tây.
"Rõ ràng, yếu tố tiêu cực chính đối với nền kinh tế gần đây là áp lực trừng phạt bổ sung từ các nước phương Tây. Nhưng chúng tôi có thể tự tin nói rằng chính sách này đối với Nga đã thất bại", Tổng thống Putin ngày 18/4 nói tại một cuộc họp về các vấn đề kinh tế xã hội của Nga.
Tổng thống Nga cảnh báo các biện pháp trừng phạt có thể tác động tới Nga, nhưng phương Tây có thể lâm vào tình trạng "gậy ông đập lưng ông", đồng thời nhấn mạnh Moskva không bao giờ bị cô lập.
"Chúng tôi sẽ không bị cô lập", ông nói. "Cô lập bất kỳ ai trong thế giới hiện đại này đều là không thể, đặc biệt là một đất nước rộng lớn như Nga".
Thanh Tâm - Hà Thu (Theo CNA, NY Times)