Với đợt IPO tại Hong Kong, Prada dự kiến thu về 2 tỷ USD để trả khoản nợ 1,44 tỷ USD và mở rộng sang thị trường Châu Á - hứa hẹn sẽ bùng nổ trong vài năm tới. Dưới đây là lịch sử phát triển đầy ấn tượng của Prada:
1. Năm 1913, doanh nhân Mario Prada mở cửa hàng đầu tiên cung cấp đồ da tại Galleria Vittorio Emanuele II, Milan.
2. Năm 1919, Prada trở thành nhà cung cấp chính thức cho Hoàng gia Italia. Công ty này còn được phép sử dụng huy hiệu của công trình hoàng gia Savoy (House of Savoy) và những nút thắt dây độc đáo trong thiết kế logo của mình.
3. Cuối những năm 70 của thế kỷ 20, Miuccia Prada – cô cháu gái nhỏ tuổi nhất của Mario Prada đã kế thừa sự nghiệp của công ty và phát triển thương hiệu Prada trên toàn thế giới. Năm 1977, Patrizio Bertelli – một doanh nhân Ý làm việc trong lĩnh vực đồ da – đã gia nhập Hội đồng quản trị của Prada. Năm 1987, Bertelli và Miuccia Prada lấy nhau. Hiện nay, ông là CEO của công ty còn Miuccia Prada phụ trách thiết kế chính.
Túi xách và balô với chất liệu nylon chống thấm nước với màu đen đặc trưng của Prada là bước khởi đầu thành công của Miuccia Prada. Khi được tung ra thị trường năm 1984, loại túi xách này đã gây chấn động trong làng thời trang.
4. Năm 1982, Prada tung ra bộ sưu tập giày phụ nữ đầu tiên. Đây chính là thời điểm Prada bắt đầu phát triển khắp Châu Âu, với sự có mặt tại các trung tâm mua sắm sầm uất của Florence, Paris và Madrid. Năm 1986, Prada mở cửa hàng đầu tiên tại New York (Mỹ).
5. Năm 1983, Prada mở cửa hàng thứ 2 tại Milan, trong khu Galleria Vittorio Emanuele II. Hiện nay, thương hiệu Prada đã có 265 cửa hàng tại 85 nước trên thế giới. Bản thân các cửa hàng của Prada là sự kết hợp giữa yếu tố truyền thống và hiện đại. Các sản phẩm của Prada cũng phát triển từ đồ da (như túi, vali và phụ kiện) cho đến giờ là giầy dép và quần áo may sẵn nam nữ.
6. Năm 1993, Prada thành lập nhãn hiệu thứ 2 - Miu Miu chủ yếu phục vụ đối tượng người tiêu dùng trẻ hay những người nổi tiếng và mua cổ phần của một số thương hiệu thời trang khác như Fendi. Miu Miu cũng tung ra bộ sưu tập thời trang may sẵn cho nam đầu tiên.
7. Từ 1999, Prada bắt đầu triển khai chiến dịch mua lại các công ty thời trang khác. Trong năm này, Prada đã mua lại Church’s Group, một thương hiệu giầy xa xỉ của Anh. Năm 2001, Prada sở hữu thêm nhãn hiệu Car Shoe của Ý.
Năm 2003, Prada ký hợp đồng nhượng quyền 10 năm với nhà sản xuất kính mắt Luxottica và góp cổ phần với công ty mỹ phẩm của Tây Ban Nha - Puig Beauty & Fashion Group.
8. Prada đã triển khai chuỗi cửa hàng tại các trung tâm mua sắm trọng điểm của New York, Tokyo và Los Angeles. Những cửa hàng này là một yếu tố quan trọng trong chiến lược phát triển của công ty. Chúng được thiết kế với sự cộng tác của các kiến trúc sư danh tiếng Rem Koolhaas và Herzog & de Meuron.
Những cửa hiệu này được thiết kế nhằm đem đến những trải nghiệm mua sắm mới mẻ cho khách hàng bằng các điểm nhấn ở không gian và trang trí đậm chất văn hóa.
9. Năm 2007, LG đã tung gia thị trường sản phẩm điện thoại di động màn hình cảm ứng Prada. Sau một năm rưỡi, hơn một triệu chiếc điện thoại này đã được bán ra. LG đã đưa chiếc điện thoại này trở thành điện thoại di động cảm ứng toàn bộ đầu tiên trên thị trường và trở thành đối thủ của iPhone. Khi xuất hiện lần đầu tiên, giá của nó là 780 USD.
10. Doanh số của 2 nhãn hiệu Prada và Miu Miu tăng vọt kể từ những năm 90. Doanh thu của hãng đạt 31,7 triệu USD trong năm 1990.
11. Cuối cùng thì Prada cũng phát hành cổ phiếu. Ban đầu, hãng giao dịch tại Milan Stock Exchange năm 2001, và tiếp tục trong năm 2002 để trả các khoản nợ do việc mua lại. Sau đó, hãng tái cơ cấu các khoản nợ và bán đi nhiều nhãn hiệu, đồng thời lên một kế hoạch IPO vào cuối năm 2007.
Tuy nhiên, khủng hoảng kinh tế thế giới đã khiến kế hoạch này thất bại. Nhãn hiệu thời trang danh tiếng này cuối cùng đã thông báo kế hoạch phát hành cổ phiếu tại Hồng Kông, nỗ lực mới nhất của hãng nhằm chấm dứt thời kỳ 10 năm từ bỏ việc niêm yết trên thị trường chứng khoán.
Tuyến Nguyễn (theo BusinessInsider)