Doanh số bán hàng của các hãng thời trang Trung Quốc như PYE, JNBY, Ochirly, Septwolves, Lilanz và Cabeen đều tăng trong vài năm trở lại đây.
Hãng Li-Ning cũng có mức tăng trưởng ấn tượng. Đây là thương hiệu thời trang nội hàng đầu với hơn 7.900 đại lý trên khắp Trung Quốc. Giám đốc điều hành của hãng là Zhang Zhiyong nói với Wall Street Journal, tuy doanh số bán hàng được dự báo là sẽ đi xuống và tổng biên lợi nhuận cũng sụt giảm 1% nhưng hãng vẫn có kế hoạch đầu tư 10 triệu USD vào Mỹ trong năm nay.
Một khách hàng đang mua sắm tại cửa hàng của hãng thời trang Pháp Chloe ở Thượng Hải. Ảnh: China Daily |
Li-Ning đặt chân vào thị trường Mỹ lần đầu tiên vào năm 2007 bằng việc mở một trung tâm nghiên cứu, phát triển và một xưởng thiết kế tại Portland, bang Oregon. Trong đội ngũ nhân viên của mình, Li-Ning có ít nhất 30 người giàu kinh nghiệm từng làm việc tại các hãng như Nike, Adidas, Converse và Columbia. Sản phẩm của Li-Ning bày bán tại Mỹ gồm có các thiết bị và trang phục cho các môn thể thao thế mạnh của châu Á như bóng bàn, cầu lông - những lĩnh vực mà hãng này có uy tín hàng đầu.
Đối với Nike và Adidas, những thương hiệu Trung Quốc đáng gờm khác còn là Peak và Anta. Hai hãng này đều đã niêm yết trên sàn chứng khoán Hong Kong và tài trợ thành công giải bóng rổ nhà nghề Mỹ NBA.
Theo giới phân tích, thị trường trang phục thể thao của Trung Quốc sẽ phát triển từ mức 7,2 tỷ USD năm 2009 lên khoảng 12,4 tỷ USD vào năm 2012.
“So với các hãng nước ngoài thì những thương hiệu thời trang tư nhân trong nước có lợi thế về thiết bị hiện đại, đa dạng về mẫu mã, kênh phân phối và phương thức khuyến khích. Một mặt, họ ít phụ thuộc vào hệ thống đại lý hơn các hãng nước ngoài. Nhờ đó có thể dễ dàng kiểm soát chất lượng và quản lý thương hiệu. Mặt khác, họ cũng linh hoạt hơn trong việc mở rộng thị trường tới các khu vực xa xôi”, nhà phân tích bán lẻ Chen Chong nhận định.
Peking Tan, Giám đốc nghiên cứu và phát triển sản phẩm của Greater China, cho biết: “Các thương hiệu Trung Quốc đang ở giai đoạn phát triển rất nhanh. Họ được lợi nhờ thị trường khổng lồ trong nước, nơi rất quen thuộc đối với họ.”
Tuy nhiên, các thương hiệu cao cấp phương tây vẫn là biểu tượng cho địa vị tại nước này. Hiệp hội Hàng xa xỉ Thế giới dự báo Trung Quốc sẽ là thị trường tiêu thụ sản phẩm cao cấp lớn nhất thế giới, và doanh số tại đây sẽ lên tới 14,6 tỷ USD trong vòng 4 hoặc 5 năm tới.
Nghiên cứu của Bain Capital, một trong những hãng tư vấn chiến lược kinh doanh hàng đầu thế giới, cho thấy trong năm 2010, doanh số bán hàng xa xỉ tại Trung Quốc đã tăng 30% so với một năm trước. Trong khi đó, con số này lại giảm tại Nhật Bản và Mỹ, hai thị trường hàng xa xỉ số một toàn cầu. Theo báo cáo của PricewaterhouseCoopers, hơn 100 thành phố cấp hai của Trung Quốc với hơn 1 triệu dân có sức mua của người tiêu dùng tại các thành phố cấp một và cũng rất quan tâm tới các thương hiệu xa xỉ.
Đến nay, một số thương hiệu Trung Quốc đã sản xuất hàng thời trang cao cấp cho bộ phận người tiêu dùng sành điệu. Họ mua sắm không chỉ tại các đại lý của Chanel hay Louis Vuitton mà còn ở cửa hàng của các nhãn hiệu nội địa như Netiger hay Shanghai Tang. Shanghai Tang thậm chí đã mở đại lý tại một vài thành phố thời trang trên thế giới như London hay New York.
Tại các nước phương tây, văn hóa, kiểu cách và các yếu tố Trung Hoa đang ngày được chấp nhận rộng rãi. Thêm vào đó, ngày càng nhiều người Trung Quốc muốn mua các sản phẩm thể hiện văn hóa của nước mình.
Giám đốc nghiên cứu Sandy Chen tại hãng nghiên cứu thị trường TNS cho biết: “Các thương hiệu xa xỉ Trung Quốc đang nắm trong tay một cơ hội tuyệt vời để chiếm được thiện cảm cũng như lòng tin của người tiêu dùng trong nước, nhất là khi các yếu tố truyền thống của họ được quảng bá thông qua công nghệ và khâu tiếp thị hiện đại.”
An Lâm (theo China Daily)