Kể cả sau khi các hãng bán lẻ và cửa hàng tại Mỹ mở cửa trở lại, đại dịch cũng đã khiến ngành này thiệt hại nặng nề khi người tiêu dùng chuyển sang mua sắm online. Hơn 2 triệu việc làm ngành bán lẻ đã bị mất trong tháng 4, do nhiều cửa hàng đóng cửa. Thiệt hại này sẽ càng rõ ràng trong hôm nay, khi chính phủ Mỹ công bố số liệu được cho là phơi bày một trong những tháng tệ nhất của ngành bán lẻ kể từ Đại chiến Thế giới II.
UBS dự báo gần 100.000 cửa hàng đóng cửa trong vòng 5 năm tới, hơn gấp 3 con số trong khủng hoảng tài chính. Thương mại điện tử cũng sẽ đóng góp 25% doanh số bán lẻ tại Mỹ, từ mức 15% hiện tại. Làn sóng chuyển đổi sang thương mại điện tử đang tăng tốc, được dự báo càng ăn mòn biên lợi nhuận và gây thêm xáo trộn tại Mỹ.
Chỉ trong tháng này, hãng bán lẻ hàng xa xỉ Neiman Marcus, hãng bán lẻ thời trang J.Crew Group và chuỗi trung tâm thương mại Stage Stores đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản. J.C. Penney thì đã 2 lần lỡ hẹn trả lãi và có thể nộp đơn xin phá sản trong vài ngày tới. Tổng cộng, các hãng này có 2.500 cửa hàng năm ngoái và gần 120.000 nhân viên.
"Nếu đây không được gọi là ngày tận thế của ngành bán lẻ, tôi không biết như thế nào mới đúng nữa", Sarah Wyeth - nhà phân tích ngành nhà hàng - bán lẻ tại S&P Global Ratings cho biết. Wyeth ước tính xác suất vỡ nợ của 19 hãng bán lẻ được S&P theo dõi là 50%. Năm 2008, số hãng vỡ nợ chỉ là 5.
Thiệt hại này phản ánh rõ nhất tại các chuỗi cửa hàng thời trang và các trung tâm thương mại vốn đã lao đao từ trước đại dịch. J.Crew thua lỗ 6 năm liên tục. Còn J.C.Penney chưa có lãi suốt 9 năm.
Với Brittany Croffie - một nhân viên văn phòng 25 tuổi tại Mỹ, giờ này năm ngoái cô còn đang mua váy, giày và kính mới để chuẩn bị cho các bữa tiệc mùa hè. Nhưng 4 tuần qua, cô chỉ mua một chiếc laptop mới và các sản phẩm chăm sóc da.
Croffie cho biết việc thay đổi thói quen này có lẽ sẽ theo cô trong dài hạn. "Tôi đã tiết kiệm rất nhiều tiền vì không mua thêm quần áo", cô nói, "Việc này đã dạy tôi cách chi tiền cho những thứ thực sự đáng mua".
Dĩ nhiên, đến một ngày nào đó, thế giới sẽ quay về trạng thái bình thường, và vẫn sẽ có những người coi việc mua sắm là hoạt động giải trí, hoặc chỉ đơn giản là muốn thử đồ trước khi mua. Tuy nhiên, một số chuỗi không đủ tiền mặt chờ đến ngày đó.
Rất nhiều hãng bán lẻ đã lung lay từ trước khi có lệnh phong tỏa. Gần ba phần tư hãng bán lẻ được S&P theo dõi có xếp hạng trái phiếu ở mức "rác" trước đại dịch, kể cả các tên tuổi như Abercrombie & Fitch hay Foot Locker. Macy’s cũng bị hạ xếp hạng tín nhiệm hồi tháng 2.
Sự trỗi dậy của Amazon và mua sắm online đã ăn mòn lợi nhuận các hãng bán lẻ. Trong nhóm 25 hãng bán lẻ lớn được hãng tư vấn AlixPartners theo dõi, lợi nhuận trước thuế vã lãi suất năm ngoái đã giảm xuống chỉ còn tương đương 7% doanh thu, thay vì 11% năm 2012. Trong khi đó, tỷ lệ này của các hãng thương mại điện tử là 18%, tăng từ 10%.
UBS ước tính số cửa hàng bán lẻ Mỹ sẽ chỉ còn 782.000 trong 5 năm tới, từ 883.000 năm ngoái. Mức giảm này mạnh hơn nhiều so với khủng hoảng tài chính, khi chỉ hơn 28.000 cửa hàng phải đóng cửa.
Patrik Frisk - CEO hãng trang phục thể thao Under Armour cho biết trong 2 năm tới, nhiều thương hiệu sẽ phải đối mặt với lựa chọn khó khăn hơn, khi việc mua sắm dần chuyển sang trực tuyến. "Dĩ nhiên sẽ vẫn còn các cửa hàng truyền thống và mặt bằng bán lẻ. Tức là sẽ có người thắng và kẻ thua trong môi trường này. Không chỉ trong lĩnh vực của chúng tôi. Tôi cho rằng đây là tình hình chung của ngành bán lẻ", ông cho biết trước các nhà đầu tư tuần này.
CEO Macy’s Jeff Gennette cũng đồng tình với quan điểm trên. "Các cửa hàng truyền thống sẽ vẫn có vai trò nào đó", ông nói.
Nhiều chuỗi bán lẻ tên tuổi đang thu hút người mua trở lại sau khi các lệnh phong tỏa được gỡ bỏ. Sau nhiều tuần chôn chân ở nhà, mọi người tuần này đã xếp hàng chờ đo thân nhiệt để vào các cửa hàng của Apple hay các cửa hàng xa xỉ ở Paris.
"Người tiêu dùng đang rất hào hứng quay lại", Jide Zeitlin - CEO Tapestry (công ty mẹ của Coach) cho biết. Đến cuối tuần này, họ sẽ mở lại 300 địa điểm tại Bắc Mỹ, nhưng sẽ áp dụng nhiều hạn chế, như chỉ cho phép đến cửa hàng để lấy đồ. "Mọi việc đều phải từ từ, không thể nhanh như bật công tắc được", ông nói.
Zeitlin cho biết ranh giới giữa mua sắm trực tuyến và tại cửa hàng đang mờ dần. Do người dân thường tìm đồ trên mạng trước khi đến tận nơi mua chúng, hoặc ngược lại. Vì thế, ông lên kế hoạch yêu cầu các cửa hàng truyền thống phải đạt lợi nhuận cao hơn. Việc này có thể khiến số cửa hàng ít đi sau đại dịch.
Sonia Syngal tiếp quản chức CEO Gap giữa tháng 3. Bà cho biết công ty sẽ mở ít cửa hàng hơn với thương hiệu Gap. "Chúng tôi sẽ coi đây là cơ hội cấu trúc lại công ty theo cách mình muốn hướng đến trong 50 năm tới", bà nói. Năm ngoái, hãng có hơn 3.300 cửa hàng trên toàn cầu.
Trong khi đó, thị phần của Amazon và Walmart vẫn đang tăng. Xu hướng này có thể còn tiếp tục. Walmart đã bắt đầu tận dụng 2.400 trong số 4.700 cơ sở của mình tại Mỹ để thu gom và giao đơn hàng online. Con số này tăng mạnh so với chỉ 130 cửa hàng cách đây một tháng. Sắp tới, Walmart cũng sẽ giao tại nhà một số loại dược phẩm.
Hà Thu (theo WSJ)