Theo dữ liệu của WorldOMeters, tính đến ngày 15/3, Mỹ ghi nhận hơn 3.200 ca dương tính Covid-19 và 57 người tử vong. Trước tình hình đó, nhiều hãng bán lẻ thông báo đóng cửa trong 2 tuần cho tới gần hết tháng 3. Tuy các trang bán hàng trực tuyến vẫn hoạt động, rõ ràng Covid-19 đang gây sức ép lên ngành công nghiệp bán lẻ Mỹ.
Nike cho biết họ sẽ đóng toàn bộ gần 400 cửa hàng tại Mỹ và thêm nhiều cửa hàng ở Canada, Tây Âu, Australia, NewZealand từ 15 - 27/3. Trên toàn cầu, hãng có hơn 750 điểm bán hàng. Nhân viên vẫn sẽ được trả lương trong suốt thời gian đóng cửa. Dù vậy, họ vẫn mở cửa tại Hàn Quốc, Nhật Bản và nhiều khu vực ở Trung Quốc cũng như các nước khác.
Apple cũng đóng toàn bộ khoảng 400 cửa hàng bán lẻ tại hơn 20 nước trừ Trung Quốc cho tới 27/3. Tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát tốt tại Trung Quốc nên các cửa hàng Apple sẽ được hoạt động lại.
CEO Tim Cook của Apple nói: "Đội ngũ tại Trung Quốc đã dạy cho chúng tôi bài học để giảm thiểu lây lan dịch bệnh là giảm mật độ người tụ tập. Vì tỷ lệ nhiễm bệnh ở các nước vẫn tăng từng ngày, chúng tôi buộc phải đóng cửa để bảo vệ nhân viên và khách hàng".
Hãng bán lẻ Abercrombie & Fitch cũng thông báo đóng cửa hàng ngoài khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và lo ngại điều này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình tài chính. Công ty sẽ phải điều chỉnh mục tiêu lợi nhuận. Glossier, Lululemon, Patagonia, Urbanoufitters... cũng có động thái tương tự.
Hãng bán lẻ lớn nhất nước Mỹ Walmart thì sẽ ngừng việc bán hàng qua đêm. Theo đó, 2.200 cửa hàng 24/24 của Walmart chỉ bán từ 6h sáng đến 11h đêm.
Randal Konick - nhà phân tích tại Jefferies dự đoán sẽ có thêm nhiều hãng bán lẻ đóng cửa. Báo cáo của Konick nhận định, các cửa hàng đóng góp tới 75% doanh số của hầu hết hãng bán lẻ, vì vậy lợi nhuận của các công ty sẽ bị sụt giảm trong quý I, nhất là khi họ vẫn trả lương cho nhân viên trong suốt 2 tuần đóng cửa.
Ở Italy và Pháp, nơi dịch Covid-19 bùng phát nhanh chóng, các cửa hàng bán lẻ đã được yêu cầu đóng cửa, trừ nơi bán các mặt hàng thiết yếu như đồ ăn, thuốc men và đồ tẩy rửa. Nhiều cửa hàng tạp hoá cũng bị yêu cầu giới hạn một số sản phẩm bán ra để ngăn chặn việc tích trữ.
Quỳnh Trang (theo CNBC)