Chốt phiên 12/3, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm hơn 2.350 điểm, tương đương gần 10%, về 21.200 điểm. S&P 500 mất gần 261 điểm, tương đương 9,51%, xuống 2.480 điểm. Còn Nasdaq Composite giảm hơn 750 điểm, tức 9,43%, xuống gần 7.202 điểm.
Đầu phiên, cả ba chỉ số giảm trên 7%, khiến thị trường chứng khoán Mỹ kích hoạt cơ chế ngắt mạch - ngừng giao dịch 15 phút. Đây là lần thứ hai trong tuần việc này diễn ra.
Toàn bộ 11 nhóm ngành trong S&P 500 chìm trong sắc đỏ. S&P 500 và Nasdaq cũng lần đầu tiên rơi vào thị trường giá xuống kể từ khủng hoảng tài chính 2008. Thị trường giá xuống được xác lập khi một chỉ số giảm trên 20% so với đỉnh gần nhất.
Dow Jones đã rơi vào vùng giá xuống từ phiên trước đó. Hôm qua cũng là phiên tệ nhất của chỉ số này kể từ "Ngày thứ Hai đen tối" năm 1987.
Thị trường tài chính náo loạn sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ra lệnh cấm các chuyến đi từ châu Âu về Mỹ trong một tháng, nhằm ngăn Covid-19 lây lan. Chứng khoán châu Âu, giá vàng và dầu thô hôm qua cũng đồng loạt lao dốc. Chỉ số biến động CBOE - thước đo sự lo lắng của nhà đầu tư, đã vọt lên mức cao nhất kể từ tháng 11/2008 - đỉnh điểm của khủng hoảng tài chính.
"Diễn biến tiêu cực liên tiếp trên thị trường cho thấy những gì các nước đã làm đến nay là chưa đủ. Mọi người dường như khó có thể khôi phục lại nhịp sống bình thường. Vì vậy, sự bất ổn vẫn còn", Joseph Sroka, Giám đốc đầu tư tại NovaPoint nhận định.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) được dự báo hạ lãi suất lần thứ hai trong tháng này, sau khi kết thúc cuộc họp chính sách tuần tới. Lợi suất trái phiếu kho bạc của Mỹ đã liên tục đi xuống do khả năng Fed nới lỏng mạnh tay ngày càng lớn.
Quỳnh Trang