Kết thúc phiên giao dịch 11/3, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm gần 1.465 điểm, tương đương 5,9%, xuống 23.553,22 điểm. Đà giảm mạnh khiến chỉ số này bước vào "thị trường giá xuống" (mất hơn 20% so với đỉnh gần nhất tháng trước), đồng thời chấm dứt đà tăng liên tục từ năm 2009.
S&P 500 cũng đóng cửa trong trạng thái tiêu cực khi mất hơn 4,9% xuống 2.741 điểm. Nasdaq Composite giảm 4,7% xuống 7.952 điểm, giảm 19% so với mức kỷ lục.
"Chúng ta có thể thấy sự hoảng loạn trên thị trường chứng khoán", Jerry Braakman - Giám đốc đầu tư tại First American Trust cho biết, "Câu hỏi lớn nhất là: Chúng ta đã ở dưới đáy chưa? Tôi nghĩ rằng mới đi được nửa quãng đường thôi".
Đà bán tháo xuất hiện trong phiên ngày 11/3 sau khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố Covid-19 là đại dịch toàn cầu. Tổng số ca nhiễm trên thế giới đã vượt ngưỡng 100.000 người. Riêng Mỹ đã có hơn 1.000 trường hợp được xác nhận. Diễn biến phức tạp của dịch bệnh dấy lên lo ngại về đà suy giảm kinh tế toàn cầu, khiến nhiều người kêu gọi sự can thiệp từ các Chính phủ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump mới đây đã đề xuất sẽ áp dụng mức thuế 0%, có thể kéo dài đến cuối năm nay. Tuy nhiên, thời điểm áp dụng các chính sách này vẫn chưa chắc chắn. Chuck Grassley, người đứng đầu Ủy ban Tài chính của Thượng viện, cho biết việc giảm thuế phải được xem xét kỹ lưỡng.
"Thị trường có vẻ thất vọng khi Nhà Trắng không công bố chi tiết các biện pháp hỗ trợ tài khóa", Brian Gardner - nhà phân tích chính sách tại KBW nói, "Mọi thứ vẫn còn quá sớm và các nhà hoạch định chính sách vẫn đang vật lộn với các lựa chọn khác nhau".
Các Ngân hàng Trung ương cũng đã hành động mạnh tay để kìm hãm đà suy giảm tăng trưởng. Ngân hàng Trung ương Anh ngày thứ tư đã hạ lãi suất khẩn cấp 0,5%, xuống còn 0,25% để hỗ trợ nền kinh tế. Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cũng tăng lượng tiền cung cấp cho các ngân hàng thông qua việc cho vay qua đêm lên tới 175 tỷ USD.
Minh Sơn (theo CNBC)