Ý kiến này được Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nêu khi giải trình trước Quốc hội tại cuối phiên thảo luận kinh tế xã hội, chiều 28/10. Trước đó, các đại biểu Quốc hội đề nghị cơ quan quản lý xăng dầu (Bộ Công Thương, Tài chính) làm rõ chuyện "xăng dầu thiếu thật hay giả" trên thị trường và cần có giải pháp căn cơ, lâu dài xử lý tình trạng này.
Giải trình về việc này, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhìn nhận, xảy ra hiện tượng thiếu xăng dầu cục bộ ở một số địa phương phía Nam, TP HCM là "điều rất đáng tiếc, bất thường". Ông một lần nữa khẳng định tổng nguồn cung không thiếu, khi đầu tháng 10 cả nước có khoảng 3 triệu m3 xăng dầu (gồm nguồn từ 2 nhà máy lọc dầu, dự trữ thương mại, nhập khẩu trong kỳ của 34 doanh nghiệp đầu mối) đủ cho nhu cầu sản xuất, tiêu dùng tới hết tháng 11. Chưa kể các nhà máy đang sản xuất, nhập khẩu tiếp theo kế hoạch.
Tuy vậy, theo Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc, nguồn cung xăng dầu có thiếu hụt. Nhu cầu xăng dầu cả nước mỗi năm khoảng 19,2 triệu tấn, sản lượng cung ứng từ hai nhà máy lọc đầu Dung Quất, Nghi Sơn đáp ứng khoảng 70%. 9 tháng qua, nhà máy lọc dầu Dung Quất sản xuất 4,4 triệu tấn, còn Nghi Sơn 4,3 triệu tấn - thấp hơn sản lượng công suất của các nhà máy này.
Còn nguồn nhập khẩu cả năm dự kiến 6,2 triệu tấn, chiếm 32% nhu cầu tiêu dùng trong nước và phân bổ cho 34 đầu mối. Nhưng 9 tháng mới nhập được 3,97 triệu tấn, không đạt kế hoạch. Quý III, chỉ có 19 trong 33 doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu, giảm 40% với xăng và 35% với dầu so với quý trước.
Sắp tới, khi sửa Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu, Bộ trưởng Tài chính cho hay, sẽ đề nghị Chính phủ giao toàn diện phần xăng dầu về Bộ Công Thương, gồm việc quyết định giá, chi phí định mức (hiện phần này đang do Bộ Tài Chính đảm trách). Như thế sẽ đảm bảo nguồn cung chủ động giữa đầu mối, phân phối và bán lẻ, chủ động điều chỉnh chi phí định mức và giải quyết khó khăn, đảm bảo nguồn cung xăng dầu, phục vụ sản xuất kinh doanh.
Nói thêm về điều chỉnh các chi phí kinh doanh xăng dầu - yếu tố Bộ Công Thương, các doanh nghiệp đầu mối cho là đã bị chậm cập nhật so với tình hình thực tế, khiến họ bị thua lỗ - Bộ trưởng Hồ Đức Phớc thông tin, từ đầu năm đến nay, đã hai lần tăng các chi phí này (ngày 10/1 và 7/10). Hiện mỗi lít xăng RON 92 (xăng nền pha chế E5 RON 92) có chi phí vận chuyển, quản lý là 1.960 đồng.
Bộ Tài chính lấy ý kiến doanh nghiệp đầu mối, Bộ Công Thương về việc có nâng chi phí định mức nữa hay không, nhưng đến nay mới có hồi âm từ 6 thương nhân đầu mối, chiếm 8,5% sản lượng xăng dầu.
Liên quan đến khó khăn về tín dụng ngân hàng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng trong phần giải trình chiều nay, đề nghị Bộ Công Thương đánh giá chi tiết, phân tích nguyên nhân dẫn tới việc doanh nghiệp xăng dầu khó tiếp cận vốn vay.
Bà cho hay, số liệu từ các ngân hàng thì hiện tổng hạn mức tín dụng cấp cho 16 doanh nghiệp xăng dầu là 103.000 tỷ đồng, và mới sử dụng 58.000 tỷ. Tức còn 44.000 tỷ đồng hạn mức tín dụng cho xăng dầu chưa được sử dụng, chứ không phải đã hết như phản ánh.
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nói thêm, Ngân hàng nhà nước đảm bảo cung ứng ngoại tệ cho các doanh nghiệp xăng dầu, chẳng hạn 9 tháng đầu năm đã bán 10 tỷ USD cho Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex); Công ty TNHH Lọc hoá dầu Nghi Sơn, Bình Sơn...
Sau thời gian tạm ổn, tình hình xăng dầu, nhất là phía Nam hiện vẫn thiếu hụt. Khảo sát của VnExpress sáng 28/10 cho thấy, nhiều cây xăng ở TP HCM vẫn treo biển hết hàng. Sở Công Thương TPHCM hôm qua cho biết hiện có khoảng 10% cửa hàng xăng dầu bán lẻ trong tình trạng hết hàng, đóng cửa hay bán nhỏ giọt.
Tương tự, nhiều cửa hàng bán lẻ ở miền Tây vẫn kêu khó khăn về nguồn cung, báo lỗ buộc phải xin đóng cửa. Như tại Sóc Trăng, theo Sở Công Thương tỉnh Sóc Trăng, tỉnh này thiếu khoảng 75.000 m3 xăng dầu trong những tháng cuối năm nay, đầu năm sau.