Trong báo cáo cập nhật về kinh tế Việt Nam công bố sáng nay, Ngân hàng Thế giới tiếp tục giữ nguyên dự báo tăng truởng GDP năm nay ở mức 5,3% như trong báo cáo hồi tháng 6, và cao hơn một chút so với con số 5,2% đưa ra hồi đầu năm.
Tính từ năm 1998 đến nay, tăng truởng 5,25% trong năm 2012 (tính theo giá so sánh với 2010) được xem là mức thấp nhất. Đây là đợt tăng trưởng chậm dài nhất kể từ khi tiến hành công cuộc cải cách kinh tế cuối những năm 80 của thế kỷ trước.
Truớc 2010, tăng trưởng của Việt Nam chỉ kém Trung Quốc, cao hơn Indonesia và Philippines. Tuy nhiên từ 2010 đến 2013, tăng trưởng GDP của Việt Nam kém cả 3 nước trên và đang ngấp nghé về gần bằng với Malaysia.
Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, tiềm năng tăng trưởng GDP của Việt Nam ở mức 7%, nếu Chính phủ thực hiện các cải cách về thể chế và chính sách tốt. Do đó, có thể nói Việt Nam đang có mức tăng trưởng dưới tiềm năng. Hiện nay, thu nhập bình quân của các quốc gia lân cận nói trên đều đang vượt xa Việt Nam. Khi tăng truởng GDP chậm lại, quá trình bắt kịp với thu nhập đầu người của khu vực càng trở nên khó khăn.
Ngoài ra, một con số đáng chú ý trong báo cáo này là dự báo về lạm phát cho năm 2013 của World Bank. Trong khi giới chuyên gia trong nước cho rằng lạm phát năm nay suy giảm so với năm ngoái, thì Ngân hàng Thế giới lại dự báo tăng, ở mức 8,2%, vượt xa mục tiêu mà Chính phủ đặt ra ở 6 đến 7%.
Theo lý giải của World Bank, con số mà Chính phủ đặt ra có tính chất “mong muốn” nhiều hơn là “dự báo”. Còn Ngân hàng Thế giới dự báo lạm phát tăng dựa trên nhiều yếu tố, trong đó có tính đến tác động của việc tăng lương tối thiểu lên nền kinh tế. Ngoài ra, việc tăng giá trong lĩnh vực giáo dục, điện cũng ảnh hưởng đến tính toán về lạm phát. Ngoài ra, theo mùa vụ, về cuối năm lạm phát cũng sẽ thường cao hơn.
Còn trên lĩnh vực vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), World Bank nhận định Việt Nam đang đối mặt với cả những yếu tố đáng lo và đáng lạc quan. Trước hết, ngày càng có thêm nhiều các đối thủ cạnh tranh mới hút FDI, và những đối thủ này ngày càng trở nên mạnh hơn như Myanmar. Trong khi Việt Nam đang trong thời điểm cần vốn mạnh, tỷ trọng FDI trên GDP ngày một giảm. Năm 2008, cứ 100 đồng GDP có 11,8 đồng FDI, thì nay chỉ còn 7,7 đồng.
Tuy nhiên, điểm lạc quan là về dài hạn, Việt Nam vẫn là mảnh đất hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài. Năm 2012-2013, trong một khảo sát do Phòng Thương mại Mỹ (Amcham) thực hiện, 57% trong nhóm các nhà đầu tư được phỏng vấn cho biết họ sẽ mở rộng hoạt động ở Việt Nam, tỷ lệ cao nhất trong khu vực. Tương tự, trong một khảo sát khác với các nhà đầu tư Singapore, Việt Nam vẫn đứng vị trí thứ 2 sau Myanmar.
Trong bản báo cáo, Ngân hàng Thế giới cũng đưa ra một số kiến nghị, trong đó có việc tăng tốc tốc độ cải cách, đặc biệt ở lĩnh vực tái cấu trúc doanh nghiệp Nhà nước và vấn đề ngân sách.
Về khu vực doanh nghiệp Nhà nước, World Bank nhấn mạnh đã hai năm kể từ ngày Chính phủ phê duyệt chủ trương và lộ trình cải cách, cho đến nay những gì đạt được rất hạn chế. Chính phủ vẫn trong quá trình đề ra khuôn khổ, phân loại, trong khi cái còn thiếu là những hành động thực tế. Việc tái cấu trúc cũng còn bị xé lẻ vì chưa có một cơ quan nào chịu trách nhiệm chung, điều phối liên ngành.
Về kinh tế vĩ mô, Ngân hàng Thế giới cho rằng Chính phủ đã đạt được sự ổn định. Khả năng xảy ra một cuộc khủng hoảng hệ thống tài chính đã lùi bước trong trước mắt.
Thành lập công ty mua bán nợ quốc gia là bước đi rõ rệt nhất của Chính phủ trong việc giải quyết nợ xấu. Tuy nhiên, World Bank cho rằng công ty mua bán nợ của Việt Nam dường như đang không tuân theo thông lệ của quốc tế. Ví dụ VAMC dự kiến mua lại nợ theo giá trên sổ sách, tuy nhiên thông lệ trên thế giới cho rằng nợ này cần mua lại với giá công bằng, giá thị trường chứ không phải giá vốn.
Thanh Bình