Theo số liệu từ Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), trong nửa đầu tháng 10, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đạt hơn 26 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu đạt 13,16 tỷ USD, nhập khẩu đạt xấp xỉ 13 tỷ USD.
Luỹ kế từ đầu năm tới 15/10, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa cả nước đã đạt hơn 510 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu đạt 254 tỷ USD, nhập khẩu đạt gần 256,5 tỷ USD. Cán cân thương mại vẫn đang thâm hụt 2,45 tỷ USD.
Theo Bộ Công Thương, cán cân thương mại hàng tháng đã chuyển dần sang nhập siêu từ thời điểm đầu quý II. Đến nay, mức nhập siêu đã giảm dần, cán cân thương mại tháng 8 nhập siêu 100 triệu USD.
Bộ này cho rằng, cán cân thương mại sẽ diễn biến phụ thuộc nhiều vào kết quả phòng chống dịch. Việc giảm thâm hụt cán cân thương mại tuỳ thuộc vào kết quả phục hồi sản xuất, thúc đẩy xuất khẩu, tháo gỡ được khó khăn cho sản xuất, lưu thông hàng hóa.
Trước đó, tại buổi họp báo thường kỳ Bộ Công Thương quý III ngày 30/9, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải thông tin, Bộ đang nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng tốt các hiệp định thương mại tự do (FTA) và thực hiện nhiều cải cách hành chính để nâng kim ngạch xuất khẩu. Năm nay, Chính phủ giao tăng trưởng xuất khẩu ở mức 4-5% nhưng Bộ Công Thương dự báo khả năng kim ngạch xuất khẩu có thể tăng trên 10%.
Mục tiêu này theo Bộ Công Thương là có cơ sở khi một số dự án xuất khẩu lớn đã được triển khai mới đây. Đơn cử, Công ty LG Display Việt Nam Hải Phòng đã được tăng vốn thêm 1,4 tỷ USD, nâng tổng vốn đầu tư tại Hải Phòng lên 4,65 tỷ USD, trở thành dự án có vốn đầu tư lớn nhất Hải Phòng.
Về cán cân thương mại, Bộ Công Thương dự báo, nếu không có biến động lớn về dịch bệnh, 3 tháng cuối năm là thời điểm doanh nghiệp các địa phương phía nam lấy lại đà tăng trưởng. Kết thúc cả năm, cán cân thương mại sẽ ở mức cân bằng. Nếu tình hình thuận lợi hơn, năm nay cả nước có thể xuất siêu.
Quỳnh Trang