Một tuần trước, Kim Yo-jong, em gái Kim Jong-un, đe dọa hủy thỏa thuận về giảm căng thẳng quân sự ở biên giới với Hàn Quốc. Cô gọi Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in là "mất trí". Triều Tiên sau đó giật sập văn phòng liên lạc chung với Hàn Quốc.
Nhưng ngày 24/6, Kim Jong-un đình chỉ kế hoạch triển khai thêm quân và nối lại tập trận quân sự ở biên giới. Vài giờ sau, lính biên phòng Hàn Quốc xác nhận quân đội Triều Tiên đã tháo dỡ các loa phóng thanh. Trước đó, họ đã đe dọa nối lại chương trình phát thanh tuyên truyền chống Hàn Quốc.
Những diễn biến bất nhất này gây thắc mắc, nhưng đó chính là điều Triều Tiên muốn. Trong nhiều thập kỷ, Triều Tiên đã sử dụng chiến lược tăng căng thẳng rồi lại chìa nhành ô liu.
Năm 2017, ông Kim thực hiện một loạt vụ thử tên lửa đạn đạo tầm xa và hạt nhân ngày càng táo bạo, đẩy đất nước đến gần bờ vực chiến tranh với Mỹ. Nhưng một năm sau đó, chiến lược của ông thay đổi hoàn toàn với một loạt nỗ lực ngoại giao với Trump và Moon Jae-in.
Ông nội của Kim Jong-un, Kim Nhật Thành, từng đề nghị hòa giải với Hàn Quốc ngay trước khi bắt đầu Chiến tranh Triều Tiên 1950- 1953. Cha của Kim Jong-un, Kim Jong-il, thảo luận về việc đồng tổ chức Olympic Mùa hè 1988 với Hàn Quốc trước khi các đặc vụ Triều Tiên đánh bom chiếc Boeing 707 của Korean Air năm 1987. Máy bay phát nổ gần Myanmar, khiến tất cả 115 người thiệt mạng.
Khi Triều Tiên có động thái ôn hòa, việc "quay ngoắt thái độ" mạnh mẽ đến mức các đối thủ tưởng rằng đó là tiến bộ lớn, dù không có bằng chứng nào cho thấy Bình Nhưỡng đã quyết định từ bỏ vũ khí hạt nhân.
"Khi thay đổi diễn ra, thế giới cảm thấy bất ngờ. Họ cho rằng chỉ việc đối thoại với Triều Tiên đã là bước ngoặt lớn", Yun Duk-min, cựu hiệu trưởng Học viện Ngoại giao Quốc gia Hàn Quốc, nói.
Quyết định của Kim Jong-un ít nhất sẽ tạm giữ cho những căng thẳng mới nhất trên bán đảo Triều Tiên không vượt khỏi tầm kiểm soát. Nhưng nó cũng cho thấy ông Kim đang điều chỉnh các động thái của mình khi tìm cách lấy lại uy tín trong nước và đòn bẩy ngoại giao mà ông đã đánh mất sau hai năm ngoại giao với ông Moon và ông Trump.
Ông Kim ra về mà không đạt được thoả thuận nào sau hội nghị thượng đỉnh lần hai ở Việt Nam với Trump tháng 2/2019. Ông không thể thuyết phục được Washington nới lỏng các lệnh trừng phạt quốc tế - điều ông đã hứa với người dân. Những biện pháp trừng phạt này bóp nghẹt xuất khẩu của Triều Tiên kể từ cuối năm 2017.
Đầu năm nay, Kim Jong-un khuyến khích người dân xây dựng nền kinh tế tự lực để tránh bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt quốc tế. Đồng thời, ông cố gắng giảm bớt hệ quả từ các lệnh trừng phạt bằng cách thu hút thêm khách du lịch Trung Quốc và cho phép chuyển hàng trái phép qua biên giới. Nhưng kế hoạch đó "chết yểu" vì nước này phải đóng biên do Covid-19.
"Trước hết, kinh tế là vấn đề Kim Jong-un luôn đau đáu", Park Won-gon, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Toàn cầu Handong ở Hàn Quốc, nói. "Khi hệ quả từ Covid-19 ảnh hưởng nặng nề đến sinh kế của người dân, Kim Jong-un không có nhiều thời gian để tìm cách giải quyết".
Theo "kim chỉ nam" của Triều Tiên, nếu họ gặp rắc rối trong nước, họ cần gia tăng căng thẳng với đối thủ bên ngoài để được nhượng bộ và đồng thời củng cố đoàn kết nội bộ.
Triều Tiên được cho là đã đẩy nhanh quá trình phát triển vũ khí hạt nhân sau khi chật vật đối phó nạn đói nghiêm trọng vào cuối những năm 1990. Họ thúc đẩy chương trình hạt nhân như một công cụ răn đe chống lại nguy cơ "xâm lược của Mỹ", cũng như công cụ để khiến Mỹ và đồng minh nhượng bộ kinh tế.
Năm nay, mục tiêu đầu tiên của Triều Tiên là Hàn Quốc. Bình Nhưỡng đã nhiều lần cáo buộc ông Moon bám lấy chính sách áp đặt trừng phạt của Washington trong khi từ bỏ lời hứa cải thiện quan hệ kinh tế liên Triều với ông Kim.
Em của Kim Jong-un, Kim Yo-jong, dẫn đầu đợt công kích Hàn Quốc trong khi ông Kim không lên tiếng. Ông đứng ngoài cuộc leo thang căng thẳng với Hàn Quốc để có cơ hội can thiệp, thay đổi diễn biến khi cần thiết.
"Kim Yo-jong và Kim Jong-un lần lượt đóng 'vai rắn' và 'vai mềm' với Hàn Quốc", Lee Byong-chul, chuyên gia về Triều Tiên tại Học viện Nghiên cứu Viễn Đông Kyungnam ở Seoul, nói.
Triều Tiên đã chứng minh họ lão luyện trong nghệ thuật "đưa đẩy" căng thẳng này. Sau khi hai binh sĩ Hàn Quốc bị thương vì mìn năm 2015, Hàn Quốc cáo buộc Triều Tiên gài mìn gần nơi đứng gác của lính Hàn Quốc. Để đáp trả, Hàn Quốc nối lại chương trình phát thanh qua loa dọc biên giới, với những bài hát K-pop và lời lẽ tuyên truyền chống lại Kim Jong-un. Triều Tiên nổ súng vào loa phóng thanh, Hàn Quốc đáp trả bằng hỏa lực pháo binh. Khi cả hai bên đều nâng mức cảnh báo quân sự, Triều Tiên là bên đề xuất đối thoại trước. Họ sau đó bày tỏ hối tiếc về thương tích của binh sĩ Hàn Quốc.
Năm 2018, một nhà ngoại giao Triều Tiên gọi Phó Tổng thống Mike Pence là "ngu ngốc" và "bù nhìn chính trị", dọa hủy hội nghị thượng đỉnh Trump - Kim. Nhưng khi Trump tuyên bố sẽ hủy cuộc họp, Triều Tiên ngay lập tức ra tuyên bố khác nói rằng ông Kim sẵn lòng gặp ông Trump "bất cứ lúc nào". Trump hài lòng và hồi sinh kế hoạch hội nghị thượng đỉnh.
Tháng này, Triều Tiên cũng tính toán kỹ lưỡng các bước đi. Khi quân đội vạch ra các kế hoạch hành động ở biên giới, truyền thông nhà nước nhấn mạnh kế hoạch cần sự phê chuẩn của ông Kim.
Ông Kim đã đình chỉ kế hoạch trong cuộc họp của Quân ủy Trung ương hôm 23/6. Hôm sau, truyền thông Triều Tiên cho biết cuộc họp này là "sơ bộ", khiến một số nhà phân tích nghi ngờ rằng ủy ban có thể tổ chức họp thường xuyên để thảo luận thêm và có khả năng đảo ngược hướng đi nếu cần.
"Giờ ông ấy đã thành công trong việc thu hút sự chú ý của Washington, Seoul và Bắc Kinh, Kim Jong-un nghĩ rằng ông có thể tạm dừng một lúc để xem họ phản ứng thế nào", Kim Yong-hyun, chuyên gia về Triều Tiên tại Đại học Dongguk ở Seoul, nói. "Truyền thông đưa tin ông Kim đình chỉ thay vì hủy kế hoạch, cho thấy ông vẫn để mở phương án đó".
Có nhiều dấu hiệu cho thấy chiến lược của Triều Tiên có hiệu quả với Hàn Quốc. Khi căng thẳng gia tăng trên bán đảo, Hàn Quốc đã nhanh chóng ra lệnh cấm thả truyền đơn chống Triều Tiên qua biên giới. Các chính trị gia mang quan điểm tự do kêu gọi ông Moon thuyết phục Washington cho phép hợp tác kinh tế liên Triều và gửi hàng viện trợ nhân đạo cho Triều Tiên.
Còn một lý do khác khiến Kim Jong-un ngần ngại triển khai kế hoạch: Triều Tiên có nguy cơ "tự bắn vào chân" nếu thực hiện một số lời đe dọa.
Nếu Triều Tiên khởi động lại chương trình phát thanh tuyên truyền và phát truyền đơn qua biên giới, Hàn Quốc có thể đáp trả tương đương và Bình Nhưỡng sẽ mất nhiều hơn được. Chương trình tuyên truyền của Triều Tiên ít có tác động đến người Hàn Quốc, những người có điều kiện kinh tế tốt hơn nhiều. Hơn nữa, Triều Tiên không có đủ điện để tăng âm lượng loa. Tinh thần thù địch dâng cao sẽ khiến công chúng Hàn Quốc giảm ủng hộ phương án giúp đỡ về kinh tế hoặc nhân đạo cho Triều Tiên.
Nhưng các nhà phân tích cũng cảnh báo rằng ông Kim có thể thay đổi thái độ một lần nữa nếu Seoul và Washington không có động thái xoa dịu. Khi bầu cử tổng thống Mỹ đang đến gần, ông Kim có thể thực hiện các hành động khiêu khích quân sự lớn để giành đòn bẩy với bất cứ ai đắc cử.
"Bình Nhưỡng có thể tạm xuống thang căng thẳng để chờ các bên nhượng bộ", Leif-Eric Easley, giáo sư nghiên cứu quốc tế tại Đại học Ewha Womans ở Seoul, cho biết. "Tuy nhiên, Triều Tiên gần như chắc chắn sẽ tiếp tục củng cố điều họ coi là 'biện pháp răn đe".
Phương Vũ (Theo NYTimes)