Truyền thông nhà nước Triều Tiên gần đây dẫn lời lãnh đạo Kim Jong-un về một "cuộc chiến văn hóa" mới, cho rằng K-pop gây ảnh hưởng xấu tới "thẩm mỹ, tóc tai, ngôn từ, hành vi" của giới trẻ Triều Tiên, có thể khiến Triều Tiên "đổ sập như một bức tường mục ruỗng".
Trong những tháng gần đây, hầu như ngày nào ông Kim hoặc truyền thông nhà nước Triều Tiên cũng lên tiếng phản đối những ảnh hưởng "chống chủ nghĩa xã hội và phi xã hội chủ nghĩa" đang lan rộng tại đất nước, đặc biệt là phim ảnh Hàn Quốc, phim truyền hình và K-pop.
Trong nỗ lực kiểm soát tình hình, lãnh đạo Triều Tiên đã ra lệnh cho chính phủ ngăn chặn cuộc "xâm lược văn hóa", bằng cách tăng cường kiểm duyệt các nội dung Hàn Quốc.
Truyền thông Triều Tiên luôn xây dựng hình ảnh Hàn Quốc là "địa ngục trần gian" tràn ngập những người ăn mày. Nhưng thông qua những băng đĩa phim được tuồn lậu vào Triều Tiên, giới trẻ nước này nhận ra trong lúc họ phải đối phó với nạn đói, người dân ở Hàn Quốc lại đang phải ăn kiêng để giảm cân.
Sự xâm nhập của văn hóa Hàn Quốc gây lo ngại tới mức Triều Tiên đã ban hành luật mới hồi tháng 12. Theo các nhà lập pháp Hàn Quốc, nguồn tin tình báo cho hay luật mới áp hình thức phạt lao động cải tạo từ 5 tới 15 năm với người xem hoặc sở hữu văn hóa phẩm Hàn Quốc. Hình phạt tối đa trước đây cho tội này là 5 năm lao động cải tạo.
Những người buôn lậu văn hóa phẩm Hàn Quốc vào Triều Tiên đối mặt với hình phạt nghiêm khắc hơn, bao gồm tử hình. Luật mới cũng phạt lao động cải tạo lên tới hai năm với người "nói, viết hoặc hát theo phong cách Hàn Quốc".
Sau khi luật ban hành, Kim Jong-un liên tục cảnh báo về ảnh hưởng từ bên ngoài. Hồi tháng 2, ông yêu cầu tất cả các địa phương phải "dập tắt" khuynh hướng tư bản đang phát triển. Hồi tháng 4, ông cảnh báo "sự thay đổi nghiêm trọng" đang diễn ra "trong tư tưởng và tinh thần" của thanh niên Triều Tiên. Tháng trước, Rodong Sinmun, báo nhà nước Triều Tiên, cảnh báo đất nước sẽ "sụp đổ" nếu những tư tưởng như vậy gia tăng.
"Với Kim Jong-un, cuộc xâm lăng văn hóa từ Hàn Quốc đã quá ngưỡng chịu đựng", Jiro Ishimaru, tổng biên tập Asia Press International (API), một trang web Nhật Bản chuyên theo dõi vấn đề Triều Tiên, nói. "Nếu tình hình này không được kiểm soát, ông lo ngại người dân sẽ bắt đầu coi Hàn Quốc là nơi thay thế Triều Tiên".
Máy tính, tin nhắn, máy nghe nhạc và sổ tay đang bị kiểm tra nhằm phát hiện nội dung liên quan tới Hàn Quốc, theo những tài liệu về chính phủ Triều Tiên mà API thu thập được. Phụ nữ Triều Tiên trước đây thường gọi đối tượng hẹn hò là "đồng chí" thì nay họ bắt đầu gọi là "oppa" (anh yêu), giống các cô gái trong phim truyền hình Hàn Quốc. Ông Kim đã chỉ trích cách gọi này là "đồi trụy".
Gia đình của những người bị phát hiện "bắt chước giọng điệu Hàn Quốc" trong các cuộc trò chuyện hoặc tin nhắn có thể bị trục xuất khỏi thành phố để cảnh cáo.
Trong cuộc khảo sát mà Viện Nghiên cứu Hòa bình và Thống nhất thuộc Đại học Quốc gia Seoul thực hiện với 116 người Triều Tiên đào tẩu năm 2018 và 2019, gần một nửa cho hay họ "thường xuyên" xem các chương trình giải trí Hàn Quốc khi còn ở Triều Tiên.
Lãnh đạo Triều Tiên từng dễ tính hơn với văn hóa nước ngoài. Năm 2012, trên sóng truyền hình quốc gia, ông giơ ngón tay cái khen ngợi nhóm nhạc nữ mặc váy ngắn biểu diễn bài "Rocky", trong khi các nhân vận Mickey và Minnie Mouse tung tăng gần đó. Đại sứ quán Nga năm 2017 cho biết ki-ốt do chính phủ dựng lên ở Bình Nhưỡng bán đồ lưu niệm của hãng phim Disney như "Vua sư tử" hay "Cô bé lọ lem". Nhà hàng chiếu phim truyện, hòa nhạc và chương trình truyền hình nước ngoài.
Sau khi nỗ lực ngoại giao cá nhân với tổng thống Mỹ Donald Trump sụp đổ năm 2019 với việc Washington không đồng ý dỡ bỏ trừng phạt kinh tế, Kim Jong-un đã cam kết sẽ dẫn dắt đất nước vượt qua lệnh trừng phạt bằng cách xây dựng "nền kinh tế tự lực", ít phụ thuộc vào giao thương với thế giới bên ngoài. Nhưng Covid-19 làm trầm trọng thêm vấn đề kinh tế của Triều Tiên.
"Tình hình kinh tế Triều Tiên đang trong giai đoạn tồi tệ nhất từ khi Kim Jong-un lên nắm quyền 10 năm trước", Ishimaru nói. "Nếu người dân đói, tỷ lệ tội phạm sẽ gia tăng. Ông ấy phải thắt chặt kiểm soát để răn đe bất ổn xã hội".
Triều Tiên khuyến khích người dân báo cáo nếu phát hiện có người xem truyền hình Hàn Quốc, theo các tài liệu tuồn ra ngoài biên giới do Daily NK thu được. Tuy nhiên, nhiều người đã làm theo hướng khác, là cảnh báo hàng xóm trước khi cảnh sát ập tới.
"Hiện tượng lưu truyền các văn hóa phẩm phẩm Hàn Quốc không biến mất, thậm chí còn tiếp diễn", theo Daily NK.
Hồng Hạnh (Theo New York Times)