"Khi tôi bắt đầu đi làm hơn 10 năm trước, người Pháp đề cập tới Việt Nam là lại nghĩ ngay tới một nơi gia công giá rẻ", Phạm Trường Thi, chuyên viên tư vấn của công ty Geoconcept có trụ sở ở ngoại ô Paris, chia sẻ với VnExpress. "Nhưng giờ đây, Việt Nam trong mắt người Pháp là một quốc gia mới nổi với nhiều cơ hội làm ăn kinh doanh".
Trong cuộc phỏng vấn ngày 4/11, Đại sứ Pháp tại Hà Nội Nicolas Warnery cũng cho rằng Việt Nam và Pháp "chia sẻ một lịch sử rất đặc biệt, gắn với gần một thế kỷ thuộc địa và cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc". "Hai nước đã rút ra bài học từ giai đoạn lịch sử này và đưa ra lựa chọn đặc biệt, nhằm xây dựng quan hệ vững chắc dựa trên mối liên hệ gắn bó sâu sắc giữa hai dân tộc", ông nói.
"Ngày càng có nhiều tập đoàn lớn của Pháp quan tâm đến thị trường Việt Nam, lập văn phòng đại diện, mở đại lý phân phối hoặc xây dựng nhà máy sản xuất", anh Thi nói. "Ngược lại, các sản phẩm Việt Nam cũng xuất hiện nhiều hơn trên các kệ hàng ở siêu thị Pháp. Người dân Pháp quan tâm đến Việt Nam như một điểm du lịch hấp dẫn ở Đông Nam Á".
Pháp hiện là đối tác thương mại châu Âu lớn thứ 5 của Việt Nam, với trao đổi thương mại song phương 7 tháng đầu năm nay đạt 2,81 tỷ USD. Trong chuyến thăm chính thức Pháp ngày 3-5/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chứng kiến các cơ quan và doanh nghiệp hai nước ký loạt thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực giáo dục, nghiên cứu khoa học, vệ tinh, hàng không...
Theo anh Thi, Pháp là một nước phát triển lâu đời với cơ sở hạ tầng, y tế, giáo dục, khoa học và kỹ thuật đều thuộc top đầu thế giới. Do đó, được sinh sống và làm việc tại Pháp là "trải nghiệm tuyệt vời" với nhiều người Việt như anh.
Ông Nguyễn Thanh Tòng, nguyên phó chủ tịch Hội người Việt Nam tại Pháp, cho rằng quan hệ ngày càng gắn bó giữa hai nước đã được thể hiện đậm nét qua chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng những thỏa thuận hợp tác quan trọng.
"Thủ tướng nói rằng quan hệ Việt - Pháp như 'duyên nợ', có thăng trầm nhưng không bỏ được nhau và được xây dựng trên nền tảng rất vững chắc", ông Tòng chia sẻ về cuộc gặp của Thủ tướng với kiều bào châu Âu tại Pháp hôm 4/11.
Ông đánh giá chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính "thành công về mọi mặt", khi Việt Nam và Pháp đã khẳng định quyết tâm làm sâu sắc thêm mối quan hệ song phương, tăng cường hợp tác về biến đổi khí hậu, văn hóa, giáo dục, khoa học và công nghệ. Hai nước cũng củng cố và tăng cường hợp tác về y tế, đặc biệt là lĩnh vực nghiên cứu về dịch bệnh mới nổi như Covid-19.
Hợp tác với Pháp trong lĩnh vực chống biến đổi khí hậu được ông Tòng nhận định là rất quan trọng với Việt Nam, trong bối cảnh Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đưa ra cam kết mạnh mẽ về đưa mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050 tại Hội nghị lần thứ 26 các Bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu (COP26) ở Glasgow, Scotland. Tại hội nghị, Việt Nam cũng là một trong 23 nước lần đầu tiên cam kết từng bước từ bỏ điện than, không xây dựng hoặc đầu tư nhà máy phát điện mới.
Ông lạc quan rằng Việt Nam sẽ thực hiện thành công nỗ lực dần từ bỏ điện than, bởi Việt Nam có đường bờ biển dài, thuận lợi cho sản xuất điện gió, trong khi điều kiện khí hậu thuận lợi để triển khai các dự án năng lượng điện sạch. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh Việt Nam sẽ cần tới sự hỗ trợ của các nền kinh tế lớn để hiện thực hóa cam kết này.
"Pháp đã hứa giúp Việt Nam đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu ảnh hưởng tới khu vực miền Trung và đồng bằng sông Cửu Long", ông Tòng nói. "Chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ thúc đẩy hợp tác nhiều hơn nữa trong lĩnh vực này và giúp cam kết từng bước từ bỏ điện than trở thành sự thật".
Trong khi đó, anh Thi mong đợi sẽ có nhiều người Việt sang Pháp du lịch và nhiều doanh nghiệp Việt đầu tư ở Pháp trong tương lai. "Điều này sẽ góp phần giúp hai nước thấu hiểu và hỗ trợ nhau tốt hơn, vì Pháp là một trong những cửa ngõ chính giúp Việt Nam đến với châu Âu, còn Việt Nam cũng chính là nơi đầu tư tiềm năng của Pháp tại Đông Nam Á", anh nhận định.
Thanh Tâm