"Hai bên khẳng định mục tiêu đưa vào vận hành phần trên cao của tuyến metro số 3 tại Hà Nội từ nay đến cuối năm 2022", tuyên bố chung Việt Nam - Pháp ngày 5/11, nhân chuyến thăm Pháp ngày 3-5/11 của Thủ tướng Phạm Minh Chính, có đoạn.
Hai nước tái khẳng định tầm quan trọng của dự án tuyến metro số 3, hay còn gọi là tuyến Nhổn - ga Hà Nội, do Pháp cho vay hơn 500 triệu euro, cam kết sớm tìm ra giải pháp nhằm đạt được những mục tiêu chung, trong đó tính đến việc ký hợp đồng đưa vào khai thác đoạn trên cao, áp dụng khuôn khổ hợp đồng FIDIC nhằm đảm bảo vận hành hiệu quả và điều chỉnh khuôn khổ đầu tư dự án cho phép tiếp tục xây dựng phần ngầm sau năm 2022.
Ban quản lý đường sắt đô thị Hà Nội ngày 5/11 cho biết tiến độ toàn dự án đường sắt Nhổn - ga Hà Nội đạt 74%, trong đó đoạn trên cao đạt gần 90%, dự kiến khai thác đoạn trên cao vào tháng 12/2022. Tuy nhiên, dự án còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc dẫn đến chậm tiến độ.
Trong tuyên bố chung hôm nay, Việt Nam và Pháp còn tái khẳng định quyết tâm tạo xung lực mới bằng một dự án mang tính cơ cấu nhằm khẳng định mức độ tin cậy lẫn nhau trong lĩnh vực an ninh - quốc phòng.
Hai bên hoan nghênh việc tàu quân sự Pháp thăm xã giao hoặc ghé đậu kỹ thuật phù hợp với các quy định pháp luật Việt Nam, tiếp tục hợp tác trong lĩnh vực quân y cũng như trong các vấn đề di cư và buôn bán người.
Về hợp tác y tế, Việt Nam và Pháp khẳng định tình đoàn kết trong đại dịch Covid-19 và tầm quan trọng của việc thúc đẩy tiếp cận công bằng, bình đẳng vaccine, thuốc điều trị Covid-19.
Hai bên hoan nghênh hợp tác về chủ đề kháng kháng sinh, như các dự án chung DRISA và ROADMAP có sự phối hợp của các phòng thí nghiệm nghiên cứu của Việt Nam và Pháp. Việt - Pháp mong muốn phát triển mối quan hệ đối tác tăng cường giữa Viện Pasteur Paris và 3 Viện Pasteur Việt Nam trong lĩnh vực nghiên cứu các bệnh mới nổi.
Về khoa học và công nghệ cũng như giáo dục đại học, những lĩnh vực ưu tiên trong hợp tác song phương, hai nước sẽ tập trung vào một số lĩnh vực ưu tiên như công nghệ số, khoa học hàng không vũ trụ, công nghệ sinh học ứng dụng trong nông nghiệp và y tế, năng lượng.
Việt Nam và Pháp tái khẳng định tôn trọng đầy đủ Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), cũng như giải quyết hòa bình các tranh chấp, loại trừ mọi hành động sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực.
Hai bên khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở tất cả các vùng biển và đại dương, đặc biệt là ở Biển Đông, trên cơ sở tuân thủ các nguyên tắc của luật pháp quốc tế.
Việt - Pháp ủng hộ các nỗ lực của ASEAN và Trung Quốc nhằm thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu quả, thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS.
Võ Thành